Ngày 21/3 tới đây, Đại hội đồng cổ đông CTCP Xây dựng số 7 (mã VC7) sẽ diễn ra.
Phản ánh với Đầu tư chứng khoán, một số cổ đông VC7 cho biết, Đại hội tới đây sẽ bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. HĐQT và Ban Kiểm soát hiện tại gồm toàn các đại diện từ Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) và cán bộ của Công ty.
VCG là cổ đông nắm giữ 36% vốn, nên sẽ có quyền đề cử 3 ứng viên vào HĐQT và Ban kiểm soát. Cổ đông trông chờ các cổ đông còn lại sẽ tập hợp để đề cử thêm các vị trí HĐQT và Ban kiểm soát. Với sự có mặt của ứng viên mới, cổ đông hy vọng tình hình quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh VC7 sẽ tốt hơn, minh bạch hơn, những tồn tại cũ sẽ được giải quyết.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán, hoạt động xây dựng của VC7 có doanh thu 137 tỷ đồng (bằng 95% so với năm 2015), trong khi giá vốn xây dựng là 154 tỷ đồng; Lợi nhuận xây lắp và sản xuất công nghiệp âm 42 tỷ đồng. Năm 2015, số lỗ này là hơn 38 tỷ đồng.
"Trong bối cảnh thị trường bất động sản khá sôi động trong 2 năm 2015 và 2016, mảng xây lắp được đánh giá là phát triển tốt, mang lại dòng tiền ổn định, thậm chí nhiều công ty xây lắp còn lãi lớn. Tuy nhiên, không biết vì sao VC7 lại thua lỗ xây lắp, năm sau lỗ lớn hơn năm trước? Liệu thông tin có minh bạch hay việc quản lý điều hành của Công ty có vấn đề?", một cổ đông của VC7 đặt câu hỏi.
Ngoài ra, cổ đông cũng bức xúc về việc doanh thu giảm, nhưng chi phí quản lý lại tăng đột biến. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, năm 2016, doanh thu VC7 chỉ đạt 291 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2015, trong khi chi phí quản lý là 43,5 tỷ đồng, tăng gần 300%, trong đó có khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 27 tỷ đồng. Doanh thu và sản lượng giảm mạnh, nhưng chi phí nhân viên quản lý lại tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Một vấn đề nữa là tình trạng Công ty thừa tiền, nhưng lại vay cá nhân. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016, VC7 có tiền gửi không kỳ hạn 17,6 tỷ đồng và tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 18,6 tỷ đồng tại Vietinbank và BIDV với lãi suất từ 4,4-4,6%/năm.
VC7 còn có tới 217 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và toàn bộ số tiền này là tiền gửi tại BIDV kỳ hạn 6 tháng, lãi suất từ 5,3% - 5,8%/năm. Tuy nhiên, Công ty vẫn đi vay cá nhân.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, thì VC7 vay nợ CTCP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 200 triệu đồng và vay nợ ngắn hạn một số cá nhân 29,9 tỷ đồng. Khoản vay nợ các cá nhân có lãi suất 6,5%/năm để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một cổ đông của VC7 cho biết, Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ thể hiện tiền lãi vay đã trả trong năm 2016 là hơn 2,9 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lãi suất VC7 đi vay có thể lên tới 9 - 10%/năm. Mâu thuẫn về con số này cũng như việc đi vay khiến cổ đông VC7 bức xúc, bởi công ty có tiền mặt nhưng vẫn duy trì những khoản vay lãi suất cao với các cá nhân.
Trong đó, các vấn đề như vay cá nhân, lỗ xây lắp đã được cổ đông chất vấn trong đại hội đồng cổ đông năm 2015 nhưng vẫn không được Ban lãnh đạo, Ban điều hành VC7 trả lời thỏa đáng.
Chẳng hạn, với tình trạng vay nợ cá nhân, đại điện Công ty trả lời cổ đông, đây là khoản vay trong giai đoạn 2013 - 2014, Công ty phải huy động từ cán bộ Công ty bởi việc huy động vốn vay từ ngân hàng thời điểm đó quá khó khăn, hầu hết các ngân hàng đều tránh các khoản vay liên quan đến bất động sản và xây lắp.
Nhưng hết năm 2016, Công ty vẫn chưa tất toán các khoản vay này.
Cổ đông cho biết, nhiều vấn đề cổ đông cần được biết, được bàn và đang chờ đợi từ Ban lãnh đạo Công ty lời giải thích thấu đáo trong đại hội tới đây.