Cốt yếu là làm mới tư duy
Theo tổng giám đốc một công ty niêm yết, Nghị định 90 đặt ra nhiều điều kiện khắt khe về huy động vốn trái phiếu, khiến DN khó đáp ứng như: có thời gian hoạt động tối thiểu một năm kể từ ngày DN chính thức hoạt động; kết quả sản xuất - kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính (BCTC) được kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần...
Các DN mới thành lập, DN gặp khó khăn có nhu cầu huy động vốn trái phiếu để tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh gần như không đáp ứng được các yêu cầu này.
Thực tế, TPDN là khoản tự vay, tự trả của DN, hơn nữa, các NĐT trên thị trường trái phiếu đa phần là các tổ chức, định chế chuyên nghiệp, nên việc duy trì các điều kiện quá chặt mà các DN phải đáp ứng khi muốn phát hành trái phiếu là không phù hợp.
Bởi vậy, điều cốt yếu mà các DN, nhà tư vấn, giới đầu tư mong đợi trong lần sửa đổi Nghị định 90 này là các nhà hoạch định chính sách cần đổi mới tư duy theo hướng không chỉ khắc phục các bất cập hiện hành, mà quan trọng hơn là cần có bước đột phá về cơ chế, để tạo thuận lợi tối đa cho DN phát hành trái phiếu, hỗ trợ thị trường TPDN phát triển sôi động, chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Nhiều điểm cần làm rõ
Tháo gỡ bất cập về điều kiện phát hành, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định áp dụng riêng đối với các DN mới thành lập (chưa đủ 3 năm hoạt động) và DN trong quá trình tái cơ cấu, thì không cần đảm bảo điều kiện kết quả kinh doanh năm liền trước năm phát hành có lãi.
Giám đốc khối ngân hàng đầu tư một CTCK lớn cho rằng, phương án này là hợp lý. Tuy nhiên, Nghị định 90 sửa đổi hoặc thông tư hướng dẫn phải nêu rõ khái niệm, hoặc quy định cụ thể điều kiện như thế nào là “DN trong quá trình tái cơ cấu” để quá trình triển khai không gặp vướng mắc.
Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc DN phát hành trái phiếu phải công bố cho NĐT cả hai loại BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất (trường hợp tổ chức phát hành hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con), nhưng một số ý kiến đề xuất, Nghị định 90 sửa đổi cần nêu rõ BCTC nào (riêng lẻ hay hợp nhất) là cơ sở để xem xét điều kiện phát hành trái phiếu của các DN.
Theo ý kiến của một CTCK có nhiều kinh nghiệm về tư vấn phát hành TPDN, nên quy định theo hướng: BCTC riêng lẻ của công ty mẹ là cơ sở để xem xét điều kiện kết quả sản xuất - kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi theo BCTC được kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần, vì BCTC hợp nhất không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của tổ chức phát hành.
Một vấn đề khác là Nghị định 90 quy định, TPDN được đăng ký, lưu ký tại các tổ chức lưu ký, nhưng không quy định phải đăng ký, lưu ký tập trung. Điều này khiến Bộ Tài chính không theo dõi, cập nhật được dữ liệu về TPDN. Để khắc phục bất cập này, Bộ Tài chính đang xem xét khả năng đưa ra quy định đăng ký, lưu ký tập trung đối với TPDN. Đề xuất này của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng đề nghị trong thời gian đầu, để giảm chi phí phát hành cho DN, Bộ Tài chính nên có quy định giảm phí đăng ký, lưu ký tập trung TPDN.
Đồng ý với đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 90 quy định về thẩm quyền của Bộ Tài chính là Bộ này có thể ủy quyền cho tổ chức nhận báo cáo DN phát hành, nhiều ý kiến đề xuất, tổ chức đó nên là Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
VBMA cần được giao quản lý, đôn đốc, giám sát tổ chức phát hành trái phiếu thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định (thông qua các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành là thành viên thị trường). Hàng năm, VBMA đánh giá kết quả giám sát này và số liệu của VBMA là một trong các cơ sở để các tổ chức định hạng tín nhiệm xếp hạng DN phát hành và tổ chức tư vấn phát hành.