Cơ chế giúp Nga “vô hiệu hóa” đòn trừng phạt của phương Tây

Cơ chế nhập khẩu song song giúp người dân Nga vẫn có thể tiếp cận hàng hóa phương Tây ngay cả khi nhiều nhãn hàng đã rút khỏi thị trường này.
Một nhà bán lại ở Nga vẫn có thể bán các mẫu điện thoại mới của Apple nhờ cơ chế nhập khẩu song song. Ảnh: TASS.

Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng hóa mà không cần được sự đồng ý của các nhà sản xuất phương Tây trong nhiều tháng qua. Đây là một phần cơ chế nhằm giúp Moscow vượt qua các hạn chế về cung ứng hàng hóa do phương Tây áp đặt cũng như việc một loạt công ty nước ngoài rút khỏi Nga kể từ sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát.

Từ tháng 5, Nga đã triển khai cơ chế nhập khẩu song song, cho phép Moscow nhập khẩu nhiều loại sản phẩm từ linh kiện ô tô đến đồ điện tử, trong bối cảnh nhập khẩu vào Nga giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây và một loạt công ty nước ngoài rời khỏi Nga.

Nhập khẩu song song vào Nga đạt 6 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, ông Denis Manturov - Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga cho biết.

“Nga không thể ngồi yên với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Vì thế nước này đã tìm cách để đảm bảo vẫn mua được nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng và cần thiết để duy trì nền kinh tế cũng như duy trì chiến dịch quân sự hiện nay. Câu hỏi cũng như thách thức hiện nay là phương Tây sẽ làm gì để thắt chặt các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn điều đó”, ông Timothy Ash, chiến lược gia về thị trường mới nổi của Công ty quản lý tài sản BlueBay cho biết.

Cơ chế nhập khẩu song song là gì?

Nhập khẩu song song đề cập tới những hàng hóa được nhập khẩu vào một thị trường mà không cần sự đồng ý của nhà sản xuất loại hàng hóa đó. Cần phải nói rõ rằng, đây là hàng hóa chính hãng, nhưng được nhà sản xuất bán ở nước khác hoặc khu vực khác.

Ví dụ, một chiếc quần jean của Levi's được sản xuất, đóng gói và định giá cho thị trường Ấn Độ được một bên bán lại nhập khẩu và bán ở Đức bên ngoài các kênh phân phối được ủy quyền của nhà sản xuất thì đó là nhập khẩu song song.

Việc nhập khẩu như vậy được coi là thị trường xám vì chúng do các đại lý không được ủy quyền bán lại. Do chủ sở hữu thương hiệu không có quyền kiểm soát việc phân phối những hàng hóa này, nên chúng không nằm trong kế hoạch bảo hành của họ.

Hồi tháng 5, Nga đã công bố danh sách các hàng hóa phương Tây được nhập khẩu theo cơ chế song song. Danh sách này bao gồm cả các mặt hàng quan trọng như tàu chiến, phụ tùng thay thế cần thiết cho lĩnh vực đường sắt, phụ tùng ô tô cũng như các hàng hóa tiêu dùng như đồ điện tử, điện gia dụng, quần áo, giày dép và mỹ phẩm. Phía Nga nói rằng các nhà sản xuất phương Tây đã từ chối cung cấp trực tiếp các loại hàng hóa này cho Moscow.

Nằm trong danh sách này còn có các nhãn hàng như Mercedes-Benz, Volkswagen, Continental, Ferrari, Apple, Samsung, Microsoft, Siemens, Duracell, Canon và PlayStation.

Hoạt động nhập khẩu này được miễn truy cứu trách nhiệm về dân sự, hành chính và hình sự. Hầu hết các hàng hóa được nhập khẩu song song vào Nga là qua các nước thuộc Liên Xô trước đây như Kazakhstan, Armenia và Belarus.

Mua bán trên thị trường xám có hợp pháp không?

Nhập khẩu song song thường không phải là bất hợp pháp. Chúng là những sản phẩm nguyên bản, được cấp phép, có được thông qua các kênh phân phối song song và thường đắt đỏ hơn.

“Từ ‘xám’ là nói đến các kênh phân phối mà qua đó hàng hóa chính hãng tìm đường đến nước nhập khẩu”, theo một tài liệu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố.

“Nếu hàng hóa do bên thứ ba bán hoặc nhập khẩu nằm trong phạm vi hiệu lực của bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc bản quyền ở quốc gia cụ thể này, thì việc bán hoặc nhập khẩu của các bên thứ ba thường bị coi là vi phạm”, văn bản nêu rõ.

Theo hãng tin Interfax của Nga, cơ chế nhập khẩu song song của Nga áp dụng nguyên tắc quốc tế về hết bản quyền, cho phép một công ty Nga nhập khẩu sản phẩm mà không cần sự đồng ý của nhà sản xuất ngay khi sản phẩm đó bắt đầu được bán ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Điều này có nghĩa là khi Apple, công ty nằm trong danh sách nhập khẩu song song của Nga, bắt đầu bán iPhone 14 vào cuối năm nay, các đại lý bán lại của Nga có thể nhập khẩu mặt hàng này bất chấp gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã rút khỏi thị trường Nga từ vài tháng trước.

Phương Tây khó ngăn cản được Nga

Cơ chế nhập khẩu song song của Nga là nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa cần thiết vốn đã sụt giảm sau làn sóng công ty phương Tây rút khỏi nước này.

Nga kỳ vọng cơ chế nhập khẩu song song sẽ đạt 16 tỷ USD trong năm nay, con số vốn chỉ chiếm 4% nhập khẩu của Nga trong năm 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu vào Nga dự kiến sẽ giảm 1/3 trong năm nay.

“Vấn đề lớn nhất đối với Nga là tái thiết quân đội. Nếu việc sản xuất ô tô ở Nga bị gián đoạn vì họ không có các linh kiện điện tử, có thể hình dung ra mọi việc sẽ như thế nào trong việc chế tạo xe tăng hay máy bay”, ông Ash nói.

Các chuyên gia nói rằng Điện Kremlin hy vọng kế hoạch nhập khẩu song song sẽ phục vụ một mục đích khác. Các mặt hàng tiêu dùng và xa xỉ khác nhau trong danh sách là nhằm nhằm đảm bảo người Nga tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ mà không bị gián đoạn nhiều khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Do Nga áp dụng quy tắc hết bản quyền quốc tế, các công ty phương Tây có thể không làm được gì nhiều để ngăn chặn việc nhập khẩu song song hàng hóa của Moscow.

Theo ông Ash, các nước phương Tây chỉ có thể khuyến khích các quốc gia và công ty không giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt hoặc thậm chí đe dọa họ bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục