Chị Thu Liên ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị đã tiết kiệm được một khoản tiền nên muốn mua nhà ở có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, chị đang rất băn khoăn bởi khi định vay thêm tiền tại ngân hàng, mức lãi suất được nhân viên tư vấn là từ 3,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm cố định trong 2 năm đầu, nhưng sau đó sẽ thả nổi. Rủi ro về lãi suất tăng cao khiến gia đình chị có phần chùn bước.
“Những thông tin gần đây về gói 20.000 tỷ đồng khiến gia đình tôi rất phấn khởi”, chị Thu Liên nói.
Theo quy định thông thường, ngân hàng không thể cố định lãi suất trong suốt thời gian vay nên dù người mua nhà có tìm tới các gói vay thương mại thì cũng khó an tâm với việc vay tiền. Do vậy, việc gói 20.000 tỷ đồng có thể cố định lãi suất ở mức hợp lý trong suốt thời gian vay được cho rằng sẽ giúp cho người mua nhà không phải lo về rủi ro lãi suất.
Bên cạnh đó, gói tín dụng này có tác dụng rất lớn để kích cầu thị trường BĐS, bởi trên thực tế, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam lúc nào cũng có, do tâm lý của người Việt từ trước đến nay là “an cư lạc nghiệp”, khi nơi ăn chốn ở ổn định thì mới có thể phát triển nghề nghiệp, kinh tế. Đó là chưa kể tốc độ đô thị hóa mỗi năm vào khoảng 3,5%, dân số đổ về các thành phố nên đương nhiên nhu cầu về nhà luôn lớn.
Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, lãi suất không hẳn đã là vấn đề chính của người mua nhà. Thị trường sau thời điểm khủng hoảng sẽ phải mất thời gian để phục hồi và hiện nay, thị trường phục hồi từ niềm tin là điều quan trọng nhất. Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng bán lẻ một ngân hàng TMCP cho biết, khảo sát của ngân hàng thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng vẫn cân nhắc xem liệu bây giờ đã là thời điểm tốt nhất để mua nhà hay chưa. Đặc biệt, so với thời gian trước, người có nhu cầu mua nhà bây giờ có sự xem xét, chọn lọc kỹ lưỡng, phải tìm đến các chủ đầu tư có uy tín,…
“Câu hỏi đặt ra là, trong số các chủ đầu tư, đơn vị nào là có uy tín trong con mắt của người mua, khi vừa qua, Quốc hội đã họp thảo luận và bỏ phiếu việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group. Bà Nga đã bị bắt giữ để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng từ năm 2009 với tổng số tiền là 300 tỷ đồng”, vị Phó Tổng giám đốc trên chia sẻ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, lý do về thời điểm và niềm tin của khách hàng khiến thị trường BĐS chưa thể bật hẳn lên. Trong khi đó, lãi suất của gói 20.000 tỷ đồng này là bao nhiêu, việc triển khai như thế nào vẫn chưa có thông tin cụ thể. Nếu nhìn vào thực tế việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng không hề dễ dàng, có thể thấy gói 20.000 tỷ đồng này cũng khó trở thành điển hình thành công. “Tôi chưa rõ gói 20.000 tỷ đồng sẽ mang lại thêm những lợi ích gì cho thị trường bất động sản nói chung”, vị chuyên gia này nói.
Các lãnh đạo ngân hàng đều có chung quan điểm e ngại, bởi mặc dù Thông tư 36 được cho rằng, NHNN đã “hé cửa” để các NHTM cho vay bất động sản nhiều hơn, nhưng thực tế chưa thể mở cửa một cách thực sự mạnh mẽ vào thị trường này sau một thời gian phát triển nóng. Các nhà băng đều cần thận trọng bởi “chim sợ cành cong”. Thêm vào đó, để thị trường BĐS khởi sắc hơn, cần có sự rõ ràng về khuôn khổ pháp lý. Các ngân hàng không mặn mà cho vay BĐS do khả năng thu hồi nợ là rất mơ hồ, họ quan ngại việc liệu có thu hồi nợ được hay không.
Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ: “Thực tế, thị trường BĐS đã có sự hồi phục và đi theo hướng từ từ chứ không nóng như trước. Tôi cho rằng, đây là cách đi tốt, hồi phục trong thận trọng. Do vậy, tôi không kỳ vọng nhiều vào gói 20.000 tỷ đồng. Đây cũng không phải là yếu tố chính kích thị trường này phát triển mạnh mẽ”.