Chậm vì thủ tục hành chính
Để tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân gói vốn hỗ trợ lãi suất 5%/năm cho người có thu nhập thấp mua nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó mở rộng đối tượng, thời gian cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân lên 15 năm. Thế nhưng, khách hàng của ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, chỉ có 5 NHTM có vốn nhà nước được giải ngân. Thêm vào đó, các chủ đầu tư không dễ tiếp cận gói vốn này. Tất cả khiến việc triển khai gói vốn 30.000 tỷ đồng vẫn ì ạch.
Đến nay, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được hơn 10%. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 20/9, tổng số khách hàng được tiếp cận vay vốn là 7.823 doanh nghiệp và cá nhân. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt 5.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng. Số vốn cam kết cho hộ gia đình và cá nhân vay là 3.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng TP. HCM, đến ngày 30/9, doanh số cho vay đạt 709,03 tỷ đồng với 1.194 khách hàng. Dư nợ đạt 688,23 tỷ đồng. Trong đó, 344,44 tỷ đồng dành cho 1.192 cá nhân và 343 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp.
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, UBND TP. HCM vừa có kiến nghị ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở 3%/năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với thời gian cho vay 15 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất. “Nếu không có sản phẩm phù hợp là nhà có giá thấp thì lãi suất có giảm về 0% cũng chẳng ích gì”, vị này nói.
Trong khi đó, thủ tục pháp lý còn phức tạp. Theo lãnh đạo một chi nhánh của BIDV, để được duyệt giải ngân vốn vay, người có nhu cầu mua nhà phải chứng minh được tình trạng nhà ở, thu nhập cũng như khả năng trả nợ…; có xác thực của cơ quan, chính quyền địa phương. Những thủ tục này mất rất nhiều thời gian, chưa kể trong nhiều trường hợp là bất khả thi, chẳng hạn với những người lao động tự do. BIDV cũng đã nhiều lần làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, văn phòng chứng thực tài sản đảm bảo tại địa phương để cùng tìm giải pháp cho người mua nhà, nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện là bao.
“Các NHTM luôn phải đặt điều kiện về an toàn vốn lên hàng đầu, dù đối tượng cho vay thuộc chương trình 30.000 tỷ đồng”, lãnh đạo BIDV cho biết.
Đại diện Vietinbank cũng cho hay, có những khách hàng khi đến với ngân hàng có đủ điều kiện vay vốn, nhưng để xin được những giấy tờ xác thực của cơ quan, chính quyền phải đi lại cả vài chục lần, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân rất nhiều.
“Với quy trình như vậy, việc thẩm định cả ngàn hồ sơ của chỉ một dự án đã ngốn biết bao thời gian rồi, chưa nói đến nhiều dự án”, đại diện Vietinbank nói.
Cố đẩy nhanh hơn
Hiện tại, BIDV đã phê duyệt cho vay 16 dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với tổng số tiền cam kết đạt trên 4.200 tỷ đồng. Trong đó, NHNN xác nhận cho BIDV đăng ký nguồn giải ngân gần 1.500 tỷ đồng đối với 13 dự án. So với quý II năm nay, đến cuối quý III/2014, cam kết cho vay tín dụng của BIDV tăng 160% và dư nợ cho vay tăng 114%. Hết ngày 30/9 vừa qua, BIDV đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 2.586 hộ gia đình và cá nhân với số tiền 1.160 tỷ đồng. Còn đối với tổ chức, BIDV cam kết cho vay 16 dự án với số tiền hơn 3.070 tỷ đồng, đã giải ngân cho 10 dự án với dư nợ cho vay 700 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của một lãnh đạo BIDV, tiến độ giải ngân cho vay trong chương trình này là chưa đạt kỳ vọng ban đầu. Một phần do nguồn cung của các căn hộ thuộc diện được hỗ trợ còn rất thấp. Đồng thời, thông tin xác nhận của chính quyền địa phương ở nhiều phường, xã không chính xác hoặc không đầy đủ theo yêu cầu, dẫn tới khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện vay. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói vốn ữu đãi mua nhà nói trên, BIDV đã xúc tiến việc ký hợp đồng với nhiều chủ đầu tư dự án hỗ trợ khách hàng mua nhà để ở.
Vietcombank cũng đã kết hợp với nhiều chủ đầu tư để đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà thuộc gói vốn 30.000 tỷ đồng. Khoảng 300 khách hàng mua căn hộ EHome từ chủ đầu tư Nam Long đã được Vietcombank chấp thuận cho vay theo diện này, bởi dòng sản phẩm Ehome của Nam Long khá phù hợp với chương trình giải ngân này - căn hộ có diện tích nhỏ, giá thấp. Ngày 25/10, Vietcombank đã kết hợp với Nam Long tổ chức hội thảo giải đáp rốt ráo, cụ thể những thắc mắc của người dân bằng những tình huống cụ thể.
Tuy nhiên, bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank, kiêm giám đốc chi nhánh TP. HCM cho hay, tiến độ giải ngân vẫn không thể nhanh hơn đáng kể được, vì còn vướng thủ tục và khách hàng cũng phải chứng minh được khả năng trả nợ.
Phó giám đốc NHNN TP. HCM ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, vướng mắc từ phía một số địa phương trong khâu xác nhận tình trạng nhà ở hoặc thu nhập cho người dân có nhu cầu vay vốn mua nhà với lãi suất thấp tại các NHTM là có thực. NHNN Thành phố đã có kiến nghị với UBND Thành phố chỉ đạo các quận, huyện nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho khách hàng có đủ điều kiện tiếp cận vốn vay, tránh tình trạng vốn ngân hàng nằm chờ chỉ vì những khó khăn về thủ tục, giấy tờ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tiến độ giải ngân gói vốn này khó có thể đẩy nhanh.
Theo TS. Trần Du Lịch, các chương trình kích cầu bất động sản là cần thiết, nhằm góp phần làm ấm phân khúc nhà ở và phần nào khơi được dòng chảy tín dụng ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng cũng có hạn chế về sản phẩm và phía ngân hàng còn thận trọng khi cho vay, nên xét duyệt khả năng trả nợ rất kỹ lưỡng.
“Nhu cầu vốn của lĩnh vực này lớn, song lại khá rủi ro nên ngân hàng hết sức thận trọng cho vay. Do đó, kể cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa hẳn dễ dàng vay được vốn để triển khai. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu một điều rằng, gói tín dụng này chỉ hỗ trợ cho một phân khúc nhất định của thị trường bất động sản, không thể kỳ vọng sớm làm tan băng”, ông Lịch nói thêm.
Thực tế, nếu nói về các gói hỗ trợ bất động sản đưa ra thời gian qua, không chỉ có gói 30.000 tỷ đồng mà còn các gói tín dụng khác được quảng bá khá rầm rộ. Chẳng hạn như 50.000 tỷ đồng hay 70.000 tỷ đồng… do VNCB đưa ra trước đó, nhưng thực chất các gói tín dụng này cũng chỉ mới dừng ở mức độ hô hào.
Hay sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà mà NHNN đưa ra mới đây cũng có mục tiêu góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho căn hộ, tồn kho vật liệu xây dựng. Thế nhưng, chỉ sau gần 2 tháng đưa ra, sản phẩm liên kết 4 nhà đã sớm bị chìm.
Mới đây, một gói tín dụng hỗ trợ khác về mua nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dự kiến sắp triển khai. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thông qua chủ trương về gói tín dụng này. Gói hỗ trợ này hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên (với tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng) vay để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề, lãi suất 6 - 7,5%/năm, tối đa 10 năm. Hy vọng gói tín dụng mới này sẽ có hiệu quả.