Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tới Bộ Xây dựng. Trong đó, VCCI đặt câu hỏi “căn cứ vào đâu để yêu cầu về diện tích tối thiểu của trụ sở hoạt động của doanh nghiệp là 50m2 và địa chỉ giao dịch này phải ổn định trên 12 tháng”.
Viện dẫn quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn, dịch vụ quản lý bất động sản không phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Do đó, VCCI cho rằng, Điều 18 Dự thảo quy định điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật áp dụng chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn, dịch vụ quản lý bất động sản là chưa phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Nhưng nếu viện dẫn điểm b khoản 1 Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải đáp ứng điều kiện về ”cơ sở vật chất, kỹ thuật” theo quy định của Chính phủ, thì có thể hiểu Điều 18 Dự thảo chỉ áp dụng đối với dịch vụ môi giới bất động sản.
“Đề nghị Ban soạn thảo xác định lại phạm vi của các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bất động sản phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, các điều kiện quy định tại Điều 18 của Dự thảo”, VCCI kiến nghị.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, VCCI cho rằng, điều kiện phải có ”cơ sở vật chất là địa điểm, trụ sở hoạt động của doanh nghiệp, có diện tích tối thiểu là 50m2, tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng” mà Dự thảo đưa ra không rõ căn cứ.
Hơn thế, theo VCCI, đây không phải là điều kiện có tính chất đặc thù đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản. Chưa kể việc yêu cầu địa chỉ giao dịch phải ổn định trên 12 tháng là chưa hợp lý, bởi vì trong nhiều trường hợp, trụ sở giao dịch được doanh nghiệp thuê, thời hạn thuê do các bên thỏa thuận. Việc có đảm bảo thời hạn thuê trên 12 tháng hay không tùy thuộc vào việc thực hiện hợp đồng thuê, có thể bên cho thuê vi phạm hợp đồng thuê, khiến hợp đồng thuê chấm dứt trước 12 tháng, điều này bên thuê không thể kiểm soát được.
“Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định cứng về diện tích tối thiểu và thời hạn ổn định trên 12 tháng, chỉ cần quy định có trụ sở hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp”, VCCI góp ý.
Vấn đề là quy định này không có tính đặc thù của ngành nghề mà có thể có của tất cả các ngành nghề kinh doanh thông thường khác. Mặt khác, VCCI cho rằng, việc Dự thảo quy định theo hướng có dấu ba chấm ”…” là chưa phù hợp với kỹ thuật soạn thảo văn bản và chưa đảm bảo tính minh bạch, vì doanh nghiệp sẽ không xác định chính xác những cơ sở kỹ thuật mà mình phải có trong ngành nghề kinh doanh này.
“Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo”, VCCI kiến nghị trực tiếp.
"Quy định chứng chỉ chỉ được cấp lại 01 lần là chưa hợp lý, bởi vì đây là trường hợp cấp lại do chứng chỉ bị hư, hỏng, mất vì lý do khách quan, và trường hợp này có thể bị lặp lại nhiều lần. Do đó, nếu chỉ cấp lại 01 lần sẽ gây khó khăn cho người có chứng chỉ. Mặt khác, việc cơ quan nhà nước cấp lại chứng chỉ nhiều lần trong các trường hợp trên cũng không ảnh hưởng đến vấn đề quản lý", VCCI đặt vấn đề.
Hơn nữa, Dự thảo cũng đang không rõ trường hợp, nếu sau khi được cấp lại, chứng chỉ bị mất, người cấp chứng chỉ sẽ phải thực hiện thủ tục cấp mới hay là thực hiện thủ tục nào để có lại chứng chỉ?
"Để tạo thuận lợi cho người có chứng chỉ, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định ”chứng chỉ được cấp lại 01 lần”, VCCI gửi ý kiến tới Bộ Xây dựng.