Qua theo dõi thực tiễn hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính phát hiện một số biểu hiện đáng quan ngại, do đó cho rằng không nên vội vã cổ phần hóa theo kiểu bán cổ phần lấy được.
Quý I/2016, cả nước cổ phần hóa được 30 DN. Kết quả này khá khiêm tốn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Theo cập nhật của Văn phòng Chính phủ, đầu tháng 5 tới, có 4 DN sẽ IPO. Trong đó có 1 DN sẽ IPO qua Sở GDCK TP. HCM là: Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Trà Vinh. 3 công ty sẽ IPO qua Sở GDCK Hà Nội gồm: Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam, CPCP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà, CTCP Du lịch Thanh Hóa.
Với cách chào bán IPO hiện tại, các tổ chức tài chính trung gian trong nước có nhiều cơ hội mua gom cổ phiếu số lượng lớn, với giá bình quân khá hấp dẫn, sau đó bán lại cho các bên có nhu cầu. NĐT ngoại không muốn mua cổ phần qua tổ chức trung gian, vì bị ép giá cao.
Diễn biến trên phần nào cho thấy, tiến độ cổ phần hóa, IPO đang chững lại. Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, điều đó không có nghĩa là việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không được thúc đẩy, ngược lại vẫn được đẩy nhanh, nhưng không vì tiến độ mà tác động không tích cực đến hiệu quả bán vốn nhà nước, cũng như mục tiêu đổi mới quản trị DN hậu cổ phần hóa.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, qua thực tiễn theo dõi hoạt động cổ phần hóa, tổ chức IPO thời gian qua, đồng thời từ kết quả tiếp xúc, tiếp nhận phản hồi thông tin từ giới đầu tư, trong đó có nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, Bộ nhận thấy trong khá nhiều đợt IPO, không ít tổ chức tài chính trung gian mua gom cổ phần với số lượng lớn, sau đó bán lại cho các bên có nhu cầu. Điều này tuy góp phần tăng số lượng các đợt IPO thành công, nhất là trong bối cảnh sức cầu trên TTCK chưa được cải thiện, nhưng đang gây nên những hệ lụy không tích cực.
“Tại cuộc giới thiệu cơ hội đầu tư vào các DN cổ phần hóa và TTCK Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Tài chính tổ chức gần đây, giới đầu tư nước ngoài than phiền họ gặp khó khăn trong tìm kiếm và hiện thực hóa cơ hội trở thành NĐT chiến lược tại các DNNN Việt Nam khi IPO, vì cách IPO hiện có một số bất cập…”, vị lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nói.
Theo đó, bất cập đầu tiên là trước khi tiến hành IPO, các DN không công bố thông tin bằng tiếng Anh, nên NĐT ngoại không có cơ hội trực tiếp nắm bắt thông tin về DN, mà phải qua trung gian, nên bị động, tốn thời gian và chi phí.
Thêm vào đó, với cách chào bán IPO hiện tại, các tổ chức tài chính trung gian trong nước có nhiều cơ hội mua gom cổ phiếu số lượng lớn, với giá bình quân khá hấp dẫn, sau đó bán lại cho các bên có nhu cầu. NĐT ngoại không muốn mua cổ phần qua tổ chức trung gian, vì bị ép giá cao, gặp khó khăn trong tiếp xúc với ban lãnh đạo DN để bàn thảo phương án hợp tác lâu dài trước khi đưa ra quyết định mua cổ phần với số lượng lớn.
Từ hạn chế trên, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận, việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược, nhất là NĐT nước ngoài đang gặp khó khăn. Trong khi một trong những mục tiêu quan trọng khi IPO, cổ phần hóa các DNNN là coi trọng bán cổ phần cho NĐT chiến lược vì mang lại lợi ích kép: tăng thặng dư cho nhà nước, giúp đổi mới quản trị DN hậu CPH.
Những hạn chế trên đang đòi hỏi cần sớm làm mới cách thức chào bán trong các đợt IPO, nhất là theo kế hoạch trong năm nay, khá nhiều DN lớn sẽ cổ phần hóa như: Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone...
Giới chuyên gia cho rằng, để khắc phục hạn chế trên, cần thúc đẩy áp dụng cơ chế bán cổ phần lô lớn theo hướng ưu tiên bán cho NĐT chiến lược, đáp ứng được các tiêu chí về tài chính, đặc biệt là hỗ trợ DN về quản trị, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ và sản phẩm…, để hỗ trợ DN “lột xác” hậu cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành và áp dụng cơ chế chào bán chứng khoán bằng phương pháp dựng sổ (book building). Việc áp dụng cơ chế này thời gian qua chậm trễ do tâm lý e ngại không minh bạch như đấu giá công khai. Tuy nhiên, một thông tin khả quan vừa được ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết là sắp tới, UBCK dự định báo cáo Thủ tướng Chính phủ về áp dụng cơ chế book building.
Với ưu thế của phương pháp book building là đo lường sớm được số lượng cổ phần mà NĐT dự kiến mua trong đợt IPO, với khoảng giá là bao nhiêu, sẽ thuận hơn trong tìm kiếm NĐT chiến lược. Từ đó, tăng khả năng bán được nhiều cổ phần, với mức giá cao hơn so với cách bán đấu giá rộng rãi ra công chúng đang áp dụng phổ biến như hiện tại.