Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) sẽ phối hợp với UBCK và hai Sở GDCK sửa đổi quy định theo hướng DN sau IPO sẽ thuận lợi lên sàn. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.
Cụ thể, bao giờ nội dung như ông nói sẽ được sửa?
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Dự kiến, ngay trong tháng 4/2016, chúng tôi sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 196, để vừa đơn giản hóa thủ tục đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK cho doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho NĐT giao dịch cổ phiếu ngay sau IPO. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong năm nay nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa gắn chặt hơn với hoạt động đăng ký giao dịch, niêm yết.
Khá nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua sau IPO còn e dè trong niêm yết thẳng lên Sở GDCK, do hướng dẫn chưa rõ ràng. Việc sửa Thông tư 196 có làm rõ vấn đề này không, thưa ông?
Chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này. Theo đó, ngay sau IPO, tối thiểu là các doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, còn những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí niêm yết, thì hồ sơ IPO được đồng thời xem xét để niêm yết thẳng lên Sở GDCK.
Việc đơn giản hóa và tạo sự liên thông cao giữa 3 hồ sơ: IPO; đăng ký, lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán; đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK, sẽ tạo sự thay đổi đáng kể về con đường lên sàn của doanh nghiệp theo hướng thuận lợi hơn.
Ông Đặng Quyết Tiến
Từ đầu năm đến nay, số lượng các doanh nghiệp IPO gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết dường như đang chậm lại? Tại sao vậy, thưa ông?
Định hướng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa tiếp tục được Chính phủ quan tâm trong năm nay. Nhờ đó, kết quả đạt được trong thời gian qua tương đối khả quan. Trong quý I/2016, cả nước cổ phần hóa được 30 doanh nghiệp.
Trong kế hoạch cổ phần hóa năm nay có những tập đoàn, tổng công ty lớn nào, thưa ông?
Trong năm nay, có khá nhiều doanh nghiệp lớn sẽ tiến hành cổ phần hóa như: Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone... Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến sẽ IPO vào quý I/2017.
Giới đầu tư đang rất muốn biết danh sách các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong năm nay, cũng như giai đoạn tới. Vì sao danh sách này đến nay vẫn chưa được công khai, thưa ông?
Sự chậm trễ này có liên quan đến việc sửa đổi Quyết định 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Văn bản này đang được sửa đổi để sớm ban hành.
Khi đó, kèm theo quyết định này sẽ có danh sách chi tiết các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa, với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữa hậu cổ phần hóa là bao nhiêu.
Trả lời câu hỏi của báo giới về giải pháp tăng cường xử lý các CTCK lạm dụng tiền, tài khoản của NĐT, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2016 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 31/3, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thị Liên Hoa cho biết, lâu nay, UBCK xử phạt nặng các CTCK về hành vi vi phạm này. CTCK nào có hành vi vi phạm nghiêm trọng còn đối mặt với việc bị xử lý hình sự.
Giải đáp câu hỏi của báo giới, UBCK có chế tài nào đối với các doanh nghiệp chậm trả cổ tức không, bà Hoa cho hay, quy định về doanh nghiệp trả cổ tức cho cổ đông không nằm trong phạm vi điều chỉnh Luật Chứng khoán, mà nằm trong quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan.
Do đó, pháp luật về chứng khoán không có chế tài xử lý các doanh nghiệp chậm trả cổ tức. Khi chậm nhận được cổ tức, các cổ đông cần đấu tranh với doanh nghiệp, vì đây là quyền lợi của cổ đông. Ngoài ra, cổ đông có thể sử dụng các cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.