Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư” do đơn vị này phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức ngày 17/10.
GDP tăng tốt, CPI có diễn biến phức tạp
Theo số liệu công bố của CIEM, tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý III và 6,98% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó. Nhờ đó, áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm đáng kể.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng 3,46% so với cùng kỳ nhờ một số yếu tố như giá bán sản phẩm ổn định, thị trường xuất khẩu được mở rộng, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu ngành và việc triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và đổi mới.
Khu vực công nghiệp - xây dựng lấy lại đà tăng trưởng vững chắc hơn, đạt 8,61%.
Tốc độ tăng GDP chung có thể cao hơn nếu đóng góp (điểm phần trăm) của phân ngành khai khoáng tương đương với mức trung bình của giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 6,87%, giảm so với cùng kỳ các năm 2016-2017.
Quý III chứng kiến những diễn biến phức tạp hơn của chỉ số giá tiêu dùng, giảm 0,09% trong tháng 7, sau đó tăng lần lượt 0,45% và 0,59% trong các tháng 8 và 9. CPI bình quân tăng 4,14% trong quý và 3,57% trong 9 tháng đầu năm.
Lãi suất, tỷ giá biến động
Lãi suất huy động VND tăng tại một số thời điểm trong quý III, chủ yếu với kỳ hạn dài. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất không kỳ hạn, ngắn hạn biến động không nhiều.
Diễn biến lãi suất huy động chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Tín dụng tăng trưởng chậm; điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng theo hướng ưu tiên giảm sức ép đối với tỷ giá VND/USD; cạnh tranh thị phần giữa các ngân hàng thương mại để chuẩn bị vốn cho nhu cầu tín dụng cuối năm và đầu năm 2019; gia tăng áp lực lạm phát tại một số thời điểm.
Dư nợ tín dụng tăng chậm hơn với dư nợ tín dụng tại thời điểm 28/9 tăng 2,4% so với cuối quý II và 10,4% so với cuối năm 2017.
Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ứng phó với tác động từ leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và mục tiêu kiểm soát lạm phát, thay vì thúc đẩy giải ngân tín dụng. Truyền thông về việc tiến tới chấm dứt tín dụng ngoại tệ. Quyết tâm tăng kỷ luật thị trường (trong đó có các chỉ số an toàn hoạt động của ngân hàng). Ngân hàng Nhà nước chưa nới lỏng tín dụng cho một số ngành (chứng khoán, bất động sản).
Tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 8,74% so với cuối năm 2017 và 0,33% so với cuối quý II. Thị trường ngoại hối biến động nhiều hơn.
Tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại khá ổn định đến giữa tháng 7, sau đó tăng lên ở mặt bằng mới và gần hơn với mức trần cho phép. Tỷ giá trên thị trường tự do luôn vượt tỷ giá của NHTM. NHNN đã kết hợp linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách để giúp giảm áp lực đối với tỷ giá.
Nhu cầu đầu tư tiếp tục tăng
Đáng chú ý, báo cáo của CIEM cho thấy xu hướng gia tăng đầu tư tiếp diễn trong quý. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ 2017 và 21,6% so với quý II.
Tỷ lệ đầu tư so với GDP đạt 35,9% trong quý III và 34,0% trong 9 tháng đầu năm. Giải ngân vốn trái phiếu chính phủ trong 9 tháng đầu năm tăng tới 89,1%.
Khu vực ngoài nhà nước tiếp tục đóng góp chủ yếu vào mở rộng đầu tư, với mức tăng nhanh nhất và tỷ trọng lớn nhất. Trong khi đó, tốc độ tăng đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn so với khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Kết quả dự báo của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, giai đoạn 9 tháng đầu năm đã giúp hình dung tốt hơn về bối cảnh và kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2018.
“Tăng trưởng kinh tế không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất, v.v.) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế.
Những chuyển biến ấy càng đáng lưu tâm hơn khi bối cảnh điều hành hiện tại (áp lực lạm phát trong nước và rủi ro suy giảm tổng cầu của kinh tế thế giới) khá giống - dù ở mức độ thấp hơn - so với giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV/2008”, ông Cung nhận định.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), trong thời gian từ nay tới cuối năm và tiếp tục sang năm 2019, bối cảnh thương mại và thị trường thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động lớn, đặc biệt là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách lãi suất của Mỹ, đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh này, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nhằm tạo thêm dư địa chính sách và cải thiện khả năng chống chịu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Song song là những nỗ lực vận động, thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do quan trọng và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.
“Để thực hiện các mục tiêu này, thông điệp nhất quán về việc ưu tiên chính sách là cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động”, ông Dương khuyến nghị.