CIEM: Mới chỉ có 30% số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi mang tính thực chất

(ĐTCK) Mới chỉ có 30% số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi mang tính thực chất, đó là đánh giá kết quả rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố.

Theo đánh giá của Ciem, kết quả rà soát lần này cho thấy vẫn còn tình trạng điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh thông qua viêc đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro trong các văn bản cấp thông tư hướng dẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này khiến hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công vẫn không được bảo vệ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, trong tổng số 771 điều kiện bãi bỏ, mức độ tác động tới doanh nghiệp cũng ở mức khác nhau.

Bên cạnh một số ít có tác động thực sự tới doanh nghiệp như việc cắt bỏ quy định “phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu”, thì vẫn có những điều kiện được cắt bỏ nhưng hầu như không có tác động nào tới hoạt động của doanh nghiệp, chẳng hạn như quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “phải được thành lập theo quy định của pháp luật”.

Đặc biệt, theo ông Hiếu, điều đáng quan ngại là trong khi các bộ, ngành nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh thì lại có Nghị định mới đi ngược lại, chẳng hạn Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu có ít nhất 10 kiểm định viên, tức là vẫn cài cắm điều kiện về số lượng, can thiệp sâu vào hoạt động thị trường.

Liên quan kết quả khảo sát điều kiện kinh doanh tại 4 bộ là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin – Truyền thông và Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM Nguyễn Minh Thảo cho biết chỉ có chưa tới 30% điều kiện kinh doanh được sửa đổi, cắt bỏ mang tính thực chất.

Theo bà Thảo, mặc dù các Bộ đã trình phương án cắt giảm, song nhìn chung các phương án cắt giảm vẫn còn mang tính hình thức, Mặc dù có đưa ra phương án cắt giảm nhưng thực tế rà soát cho thấy còn rất nhiều rào cản điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến.

Mặc dù có đưa ra phương án cắt giảm nhưng thực tế rà soát cho thấy còn rất nhiều rào cản điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến.   

Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn tình trạng mới nhằm tránh gây sự chú ý chứ chưa thực sự có ý nghĩa cải cách, như quy định “người quản lý, điều hành… có giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịnh thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp”, được sửa thành “người quản lý, điều hành… có giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật”, trong khi bản chất thì cơ quan cấp giấy chứng nhận vẫn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ”, bà Thảo cho biết.

Để hoạt động rà soát, điều chỉnh điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp Thương mại (VCCI) đề nghị cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra.

Viện trưởng Ciem Nguyễn Đình Cung cho rằng nỗ lực cải cách điều kiện kinh doanh luôn cần phải liên tục, nhất quán. Đã có 30% điều kiện kinh doanh được cắt giảm được đánh giá là thực chất, điều này chắc chắn có tác động tới doanh nghiệp, nhưng tác động này còn phụ thuộc vào sự thay đổi cách thức thực hiện ở các địa phương.

“Tới đây, cùng với việc tiếp tục bãi bỏ điều kiện kinh doanh phi lý, hạn chế điều kiện kinh doanh mới thì phải giám sát chặt chẽ xem việc thực hiện các điều kiện kinh doanh sau khi được cắt giảm bãi bỏ là như thế nào.

Vì vậy, vai trò của lãnh đạo địa phương là rất quan trọng, sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương ảnh hưởng lớn đến thực thi của công chức để duy trì thúc đấy cải cách liên tục. Đặc biệt, chủ tịch cấp tỉnh phải đóng vai trò quyết định trong việc thực thi. Cán bộ công chức nào gây khó khăn cho doanh nghiệp cần phải bị thay thế”, ông Cung thẳng thắn đề xuất.

Theo số liệu được Ciem công bố tại hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”, kết quả rà soát tổng thể 36 nghị định mới ban hành trong năm nay và 88 nghị định được sửa đổi, bổ sung, thay thế trước đó cho thấy tính đến thời điểm này, có 2.204 điều kiện kinh doanh trong các văn bản hiện trạng.

Trong đó, có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, chiếm 24,59%; 771 điều kiện được bãi bỏ, chiếm 34,98, vẫn tiếp tục có 29 điều kiện mới ban hành, chiếm 1,32%.

Với hiện trạng này, ước tính số điều kiện kinh doanh hiện hành được cắt giảm chưa đạt mục tiêu 50% mà Chính phủ đã đặt ra. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục