"Chuyện vui" gói 30.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Sau 3 lần đề xuất, danh sách các dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng đã lên đến con số 72. Đề xuất là như vậy, còn giải ngân thì chỉ 1/10.

Đến thời điểm này, mới có 7 dự án được chấp thuận với tổng số tiền 870 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 4 doanh nghiệp được giải ngân với số tiền 91 tỷ đồng. Con số khách hàng cá nhân được vay cũng èo uột không kém với 939 đối tượng và giải ngân cho 920 khách hàng, với dư nợ 221 tỷ đồng.

Như vậy, so với tỷ lệ dự kiến 1/3 là doanh nghiệp, còn lại là khách hàng cá nhân, thì thực tế giải ngân đang có diễn biến ngược lại.

Sau 6 tháng triển khai, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 300 tỷ đồng

Trong lúc Bộ Xây dựng vẫn “tưng bừng” đề xuất và không quên nới rộng đối tượng được vay nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giải ngân, thì các ngân hàng vẫn bảo lưu quan điểm về điều kiện cho vay.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia khẳng định, so với các gói tín dụng thông thường, chương trình này đã có nhiều ưu đãi, nhưng người vay vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định thì ngân hàng mới tự tin giải ngân. Đó là lý do vì sao tiến độ giải ngân chậm chạp.

Trên thực tế, lo ngại của các ngân hàng không phải là không có cơ sở. Đơn cử, Dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh) của Công ty địa ốc Hoàng Quân, với khoảng 1.700 căn hộ, giá 11,8 - 12,9 triệu đồng/m2, ngang với các dự án thương mại khác trên cùng một địa bàn, đến nay vẫn chưa có nhiều người mua, cho dù Hoàng Quân quảng cáo đây là dự án “xịn” hơn.

Cái lợi của người mua chỉ ở chỗ được vay với lãi suất ưu đãi 6%/năm, nhưng điều kiện là sau 5 năm mới được bán, dự án mới khởi công (tháng 8/2013), nên nhanh nhất cũng phải 2 năm mới nhận nhà. Nếu tính số tiền phải nộp “lai rai” trong 2 năm so với tiền gửi ngân hàng để đợi đến lúc có nhà mới xuống tiền, thì chưa chắc giá của Hoàng Quân đã rẻ.

Đầu ra cho sản phẩm còn khá mờ mịt là một phần lý do khiến Hoàng Quân dù có tên ngay trong danh sách phê duyệt đợt 1 với số tiền 540 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Cùng nằm trong đợt 1, Công ty Vicoland tại TP. Huế đã được giải ngân 34 tỷ đồng trong tổng số 117 tỷ đồng được cam kết. Gần đây, Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, một số khách hàng bất ngờ nhận được thông báo nợ khi họ đã trả xong tiền nhà và công ty này lý giải là để “qua mặt ngân hàng” vay gói 30.000 tỷ đồng!? Bất luận độ chính xác của thông tin đến đâu thì các ngân hàng vẫn phải “đề phòng” đối với dạng dự án đã được nhận nhà kiểu này.

Trên thực tế, gói 30.000 tỷ đồng đã đi lệch hướng so với mục tiêu ban đầu là giải quyết hàng tồn, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn (Hà Nội và TP. HCM) khi đang chảy sang các dự án mới. Theo TS. Vũ Đình Ánh, điều này rất dễ tạo nên “vết xe đổ” như gói kích cầu năm 2009.

Các dự án mới làm mặt bằng như HQC Plaza còn có thể chuyển đổi, còn các dự án đang xây dựng dở dang thì khó hơn nhiều. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam , cản trở lớn nhất trong việc chuyển dự án từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội là các địa phương phải hoàn trả tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư, trong khi ngân sách các địa phương đều khó khăn, thiếu nguồn để trả. Vì thế, ông Thành hiến kế, nên quy đổi tiền hoàn trả sang các khoản nghĩa vụ khác mà doanh nghiệp phải nộp.

Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM thì cho rằng, với quy định, nhà ở thương mại đã bán phải được sự đồng ý của tất cả khách hàng mới được chuyển đổi thì không có “cửa” cho các dự án dở dang.

“Để tìm sự đồng thuận của hàng trăm khách hàng không dễ, hơn nữa, nếu hàng trăm khách hàng đòi lại tiền đã nộp thì chủ đầu tư đã khó lại càng khó hơn”, ông Đực nói.

Trong khi Bộ Xây dựng và các ngân hàng chưa tìm ra “cơ chế chung” cho đối tượng được hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ đồng, thì việc Bộ Xây dựng cứ đề xuất, ngân hàng vẫn chậm giải ngân là điều khó tránh.

Thanh Uyên
Thanh Uyên

Tin cùng chuyên mục