Chuyên trách trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp lớn đóng góp 80 - 90% ngân sách nhà nước, nên cần có tổ chức chuyên quản để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế đối với khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

Thưa ông, công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn được các nước trên thế giới thực hiện bằng hình thức nào?

Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, thực hiện theo nguyên tắc 80 - 20. Tức là, 20% số doanh nghiệp lớn nhất đóng góp vào ngân sách nhà nước 80% và 80% số doanh nghiệp còn lại đóng góp 20%.

Hầu hết các nước đều tổ chức một bộ máy quản lý thuế đối với khu vực doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, sử dụng nhiều nhân lực và đóng góp tới 80% tổng thu ngân sách.

Vậy Việt Nam đang quản lý thuế đối với khu vực doanh nghiệp này ra sao, thưa ông?

Trước đây, có Cục Thu quốc doanh (Bộ Tài chính), nhưng từ khi thay đổi chính sách thuế, một bộ phận thay thế đã được thành lập, nhưng chỉ thực hiện 2 nhiệm vụ chính là tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích chính sách, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy trình, thủ tục, nghiên cứu, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn; và tham mưu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trong việc chỉ đạo các địa phương quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa bàn ngày càng tăng, với chức năng, nhiệm vụ như trên, hiệu quả hoạt động của bộ phận quản lý thuế doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nên Bộ Tài chính dần trao thêm chức năng, trách nhiệm như thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp lớn; tổ chức thu thập, đối chiếu, tổng hợp thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh, chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp lớn; theo dõi các khoản thu thuộc 100% ngân sách trung ương...

Hiện cục thuế các địa phương quản lý công ty con, công ty liên kết, công ty hạch toán độc lập với công ty mẹ là doanh nghiệp quy mô lớn. Nếu thành lập một cơ quan chuyên quản ở trung ương, có dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị “một cổ, hai tròng” và gây chồng chéo trong quản lý thuế?

Tôi khẳng định, không có bất cứ sự trùng lắp, chồng chéo trong quản lý thuế doanh nghiệp lớn. Vì, tất cả doanh nghiệp là pháp nhân độc lập, mối quan hệ giữa công ty mẹ với các công ty con, công ty liên kết, liên doanh chỉ dựa trên sở hữu vốn. Công ty con đóng ở địa phương nào, thì cơ quan thuế địa phương đó vẫn quản lý; cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn ở trung ương, nếu được thành lập, chỉ quản lý thuế đối với công ty mẹ, công ty có quy mô lớn, hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực trên nhiều địa bàn.

Mặc dù không quản lý thuế trực tiếp đối với các công ty con của doanh nghiệp lớn, nhưng cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn ở trung ương sẽ thực hiện điều phối giữa các địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ và tránh chồng chéo trong quản lý thuế, đặc biệt là khớp nối với nhau trong hoạt động thanh tra, kiểm tra để vừa tránh thất thu thuế, gian lận thuế, đồng thời giảm tối đa phiền hà cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam thành lập một cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn để tăng hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát toàn bộ doanh nghiệp lớn từ trung ương đến địa phương, còn việc quản lý thuế từ đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ, cưỡng chế thuế… của các doanh nghiệp con, chi nhánh, liên doanh ở địa phương nào vẫn giao cơ quan thuế địa phương đó đảm nhận.

Cơ chế quản lý như trên liệu có dẫn đến trùng lắp nguồn thu, thưa ông?

Từ năm 2015, Việt Nam đã áp dụng thuế điện tử, khai thuế qua mạng. Người nộp thuế có thể nộp bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, miễn là có thiết bị điện tử kết nối Internet. Khi doanh nghiệp nộp thuế bằng phương thức điện tử, Kho bạc Nhà nước căn cứ Luật Ngân sách nhà nước phân chia phần nào về ngân sách địa phương, phần nào về ngân sách trung ương thông qua Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, nên không bao giờ xảy ra tình trạng chỉ có 1 khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp lớn, mà cả ngân sách địa phương và trung ương đều ghi thu.

Cơ quan thuế ở trung ương và địa phương chỉ thực hiện theo dõi, hỗ trợ, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chứ không can thiệp vào số thuế doanh nghiệp nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Nhưng nếu thành lập thêm một cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng bộ máy, biên chế, không đúng theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả?

Không thành lập thêm bộ máy mới, tổ chức mới, mà chỉ nâng cấp đơn vị được giao quản lý thuế doanh nghiệp lớn hiện nay lên thành Cục Quản thuế doanh nghiệp lớn. Biên chế của đơn vị mới có thể điều chuyển, sắp xếp từ các đơn vị trong ngành thuế, bảo đảm cho đơn vị thành lập mới có đủ nhân lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Việc thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn không tăng bộ máy và không làm tăng tổng biên chế của toàn ngành thuế, mà chỉ sắp xếp lại bộ máy quản lý thuế cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt, cơ quan này tập trung vào nhiệm vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn; xây dựng các tiêu chí, lựa chọn tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn, có tính chất đặc thù để đưa vào diện quản lý.

Bên cạnh nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện các chính sách thuế và quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn, cơ quan này còn tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn; tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo các chỉ tiêu về quản lý thuế theo ngành kinh tế đối với doanh nghiệp lớn…

Mạnh Bôn ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục