Thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Với 91,32% đại biểu tán thành, sáng 13/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Biểu quyết về Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng. Biểu quyết về Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Luật được thông qua có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nội dung quản lý thuế theo luật gồm: Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; quản lý thông tin người nộp thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ; kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế;…

Luật quy định rõ nguyên tắc quản lý thuế là: Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định của Chính phủ.

Luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế gồm: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật. Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Bên cạnh đó, Luật quy định rõ các nội dung về: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; đăng ký thuế; sử dụng mã số thuế; khai thuế và tính thuế; nghĩa vụ nộp thuế; thủ tục hoàn thuế; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; kiểm tra thuế, thanh tra thuế; thanh tra thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế;…


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục