Chuyển sàn, mỗi nhà băng một … toan tính

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Chuyển sàn sang HOSE, mỗi ngân hàng một lý do và SHB cũng bắt đầu bằng câu chuyện riêng biệt…

Chuyển sàn, mỗi nhà băng một … toan tính

Trong tờ trình của ACB, ngân hàng này muốn tận dụng việc chuyển sàn để có thể vào các rổ chỉ số quan trọng như VN30, VNDIAMOND, VNFINLEAD hay VNFINSELECT… Các ngân hàng khác như VIB, LVP tuy không nói rõ lý do trong tờ trình xin chuyển sàn, nhưng cũng có ý định như vậy thông qua việc tăng vốn.

LVP trả 10% cổ tức bằng cổ phiếu, VIB phát hành cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 20%. ACB cũng thông qua việc trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10:3. Thông qua đó, vốn hóa của các ngân hàng được tăng lên nhằm đảm bảo cho những điều kiện vào được các rổ chỉ số trong tương lai.

“Việc vào các rổ chỉ số quan trọng vô cùng có lợi khi được nhiều nhà đầu tư dài hạn quan tâm và nhắc đến. Và một khi đã vào được rổ chỉ số, đặc biệt là VN30 thì thanh khoản sẽ tăng rất nhiều bởi các quỹ ETF sẽ tập trung mua bán chứng chỉ của họ thông qua các rổ chỉ số”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Đi sau: lợi thế cạnh tranh của SHB

Được biết, 2020 là năm SHB kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án xử lý các tồn đọng sau nhận sáp nhập HBB (từ 2016-2020) và mở ra giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ và toàn diện. Nếu như trong giai đoạn trước SHB phải chia sẻ nguồn lực để xử lý các tồn đọng của HBB thì năm 2020 sẽ là năm khởi động cho các dự án lớn để chuyển mình của SHB.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 28 diễn ra vào tháng 6/2020, SHB xác định mục tiêu trung, dài hạn đạt Top 3 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng công nghệ số, phát huy hệ sinh thái khách hàng và chuỗi giá trị thế mạnh... Đây là những nội dung quan trọng được thông qua tại ĐHCĐ.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research nhận định SHB, LPB và VIB là những ngân hàng cấp 2 nhanh nhạy về quy mô tài sản trong hệ thống, với thị phần từ 1,6% đến 3%. Hiện VIB có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất, chiếm khoảng 80% dư nợ cho vay, tiếp theo là ACB với khoảng 60%, LPB với khoảng 40% và SHB là 21%.

Mặc dù vậy, tỷ lệ này được thị trường nhận định sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới khi mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2025 là ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hiện đại lớn tại Việt Nam. Vậy, SHB có nhân tố gì để đạt được mục tiêu này?

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, nền tảng để SHB hoàn thành mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ đi từ lợi thế phát triển bán lẻ trong bán buôn của SHB. Ngân hàng sẽ tập trung khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh khác biệt của mình từ quy mô hệ thống tệp khách hàng doanh nghiệp lớn sẵn có và hệ sinh thái của khách hàng doanh nghiệp lớn là các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân để phát triển bán lẻ.

“Là ngân hàng “đi sau”, nhưng SHB sẽ được kế thừa kinh nghiệm quản trị bán lẻ từ các định chế tài chính đi trước, đồng thời phát huy các sản phẩm theo chuỗi trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất. Đây chính là lợi thế cạnh tranh khác biệt của SHB”, một lãnh đạo cao cấp SHB chia sẻ.

Chuyển sàn, lợi ích không chỉ nhân đôi

Điểm đáng chú ý cũng tại ĐHĐCĐ 28, SHB đã trình cổ đông thông qua việc thoái vốn của SHB tại Công ty Tài chính MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB FC) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Thị trường nhận định, việc thoái vốn tại công ty SHB FC cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ đem lại cho cổ đông và ngân hàng nguồn thặng dư vốn đáng kể; đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của SHB trên thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ trở thành “cầu nối” để SHB mở rộng các hoạt động khác của ngân hàng ra thị trường quốc tế.

Rõ ràng, quyết định “chuyển nhà” sang HOSE trong thời điểm này sẽ giúp SHB “đẩy mạnh hình ảnh” tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và kết nối thị trường quốc tế qua chính nhà đầu tư chiến lược.

Chờ đợi một sự đột phá từ nay đến hết năm, thị trường trông đợi vào ACB và SHB là 2 trong số cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa hàng đầu trên HNX. Thực tế, cổ phiếu SHB đang trên đà khởi sắc trước thông tin chuyển sang sàn HOSE và hiện tại được giao dịch ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, tăng 3.000 đồng/cổ phiếu so với tháng trước.

Theo đó, việc chuyển sàn của SHB sẽ là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh SHB là ngân hàng vốn hóa lớn duy nhất hiện nay còn trống zoom ngoại. Không khó hiểu nếu SHB là cổ phiếu tiềm năng lọt vào “tầm ngắm” của khối ngoại. Nhưng, liệu SHB sẽ đủ điều kiện để được đưa vào các bộ chỉ số của HOSE (VN30, VNDIAMOND) và phải chăng đây là một trong những mục tiêu của SHB khi chuyển sàn?.

Chuyển sàn, bước khởi đầu mới của các ngân hàng và cũng là một ẩn số rất thú vị khi nhìn về dài hạn. Hãy cùng đón xem những ngân hàng sắp tới sẽ như thế nào và có lẽ gần nhất là SHB…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục