SSN: tham vọng niêm yết có thực thi năm 2017?
CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (SSN) sẽ tổ chức ĐHCĐ vào 1/6 tới đây. Là DN thủy sản, nhưng kể từ khi chuyển hướng kinh doanh bất động sản, cổ phiếu DN này nhận đươc nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. 6 tháng qua, mã này ghi tên trong TOP 10 mã có thanh khoản cao nhất sàn UPCoM, mặc dù về vốn điều lệ hay vốn hóa, SSN kém xa hàng trăm DN khác trên sàn này.
Tại Đại hội tới, HĐQT SSN sẽ trình cổ đông thông chủ trương về một loạt dự án bất động sản, mảng việc “tay trái” sắp biến thành “tay phải” của DN này.
Cụ thể, SSN sẽ trình cổ đông việc hợp tác đầu tư phát triển dự án số 6 Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình; việc hợp tác đầu tư 500 tỷ đồng đối với CTCP Thương mại dịch vụ và xây dựng (Traseco) để tiếp tuc phát triển dự án Centa Park; việc bán cổ phần tại CTCP Thương mại và du lịch Sài Gòn (SPCo)…
Cùng với đó, SSN cũng sẽ bàn với cổ đông việc niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và tăng vốn điều lệ. Thông tin này được Chủ tịch Công ty, ông Vũ Cao Trung chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán đầu năm nay, nhiều người chờ đợi đại hội của SSN để hỏi cho rõ khả năng chuyển lên sàn mới của DN, để định vị cơ hội đầu tư vào mã này.
Vinatex: cổ đông chờ hỏi về cổ tức và hiệu quả kinh doanh
Vinatex đã chốt danh sách cổ đông và dự kiến tổ chức ĐHCĐ từ 15-30/6. Năm 2016, Vinatex đạt 15.709 tỷ đồng doanh thu, tăng được 4% so với năm 2015, năm 2016, Vinatex báo lãi sau thuế hơn 600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015.
Chuyện cổ tức, chuyện sau khi cho phép cổ đông chiến lược - Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID) rút vốn trước thời hạn là điểm quan tâm của nhiều cổ đông Vinatex. VID hiện nắm giữ 70 triệu cổ phần, tương ứng 14% vốn điều lệ Vinatex.
Một vấn đề cổ đông cũng muốn chất vấn Vinatex là hoạt động kinh doanh 2017. Trong một chia sẻ mới đây ra thị trường, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường đã đánh giá ngành dệt may rất tốt, nhưng vì sao kết quả quý I của Vinatex lại có dấu hiệu giảm?
Cụ thể, ông Lê Tiến Trường cho rằng, quý I/2017, ngành dệt may đạt 6,75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngành dệt may phấn đấu năm 2017 sẽ tăng trưởng trên 10%, tức là tăng thêm khoảng trên 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Trong khi đó, tại Vinatex, kết thúc quý I chỉ ghi nhận 126,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn so với cùng kỳ 2016 lãi gần 143 tỷ đồng sau thuế. Doanh thu trong quý I/2017 của VGT đạt 3.898,3 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (3.285 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận lại sụt giảm. Nội dung này cổ đông chờ được chất vấn lãnh đạo DN, để có niềm tin vào đà phát triển song hành cùng ngành dệt may Việt Nam.
SEA cổ đông mới xuất hiện, “ghế mới” sẽ thế nào?
Tại Tổng CTCP Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), dự kiến cuối tháng 6, doanh nghiệp này mới tổ chức ĐHCĐ.
Điểm đáng chú ý tại Đại hội là khả năng sẽ có nhân tố mới tham gia vào HĐQT, khi cơ cấu cổ đông của SEA có sự xáo trộn lớn từ cuối 2016.
Nhóm cổ đông liên quan đến CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) thoái toàn bộ vốn và ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco đã quyết định từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT tại SEA. Thay vào đó, các cổ đông mới xuất hiện là CTCP Nova Bắc Nam 79 (20,1%), Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú (13,4%).
Liên quan đến hiệu quả kinh doanh, quý I/2017, SEA đạt doanh thu 386,56 tỷ đồng; lãi sau thuế 71,27 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thu về cho công ty mẹ là 68,99 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu SEA ghi nhận là 1.941,8 tỷ đồng, trong đó có gần 576 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Số lợi nhuận này mang đến kỳ vọng đuợc nhận cổ tức lớn cho cổ đông và đây cũng là điểm dự kiến nhiều cổ đông sẽ “đặt vấn đề” với HĐQT tại Đại hội tới.