Những gương mặt mới
Tại đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) ngày 21/4, ông Nguyễn Văn Mạnh, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về ngành dệt may. Ông cho biết, đơn hàng không thiếu nhưng vấn đề các doanh nghiệp dệt may e ngại là rủi ro nợ xấu. Khó khăn ở các nền kinh tế lớn như Mỹ giờ mới ngấm khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, chỉ cần dính đến một khách hàng thuộc diện này là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn. Bởi thế, việc lựa chọn khách hàng phải rất cẩn trọng. Đơn hàng dồi dào nhưng biên lợi nhuận không tăng, nên TNG vẫn phải nỗ lực tăng năng suất lao động nếu muốn tăng trưởng lợi nhuận.
Ông Mạnh là con trai cả của Chủ tịch Nguyễn Văn Thời, hiện đảm nhận điều hành mảng dệt may của toàn hệ thống. Với khoảng 18.000 lao động, TNG hiện thuộc nhóm doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất tại Thái Nguyên.
Con trai thứ hai của ông Nguyễn Văn Thời là Nguyễn Mạnh Linh được giao đảm nhận phát triển mảng bất động sản. Mới đây, Công ty cổ phần TNG Land (có vốn góp của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG) đã khởi công công trình nhà ở xã hội Khu dân cư Đại Thắng (Khu đô thị Peace Village) tại vị trí phường Đồng Tiến và phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên. Peace Village có tổng diện tích 11,08 ha, quy mô 250 lô đất, bao gồm 100 lô shophouse xây 3 tầng và 150 lô đất nền. Bên cạnh đó, Nhà nước giao đất để doanh nghiệp xây dựng một tòa chung cư cao 18 tầng với 361 căn hộ, ước tính đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 800 lao động. Dự kiến, tới quý IV/2025, dự án sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Với vị trí đối diện Nhà máy Samsung Thái Nguyên, dự án thu hút sự quan tâm của người dân và cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp. Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, công tác xây dựng và bán hàng sẽ được thực hiện khẩn trương để sớm có dòng tiền tái đầu tư các dự án khác.
TNG Land cũng đặt mục tiêu phát triển dài hạn, đại chúng hóa và IPO, đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn thứ cấp. Điều này một mặt gỡ khó cho bài toán vốn, mặt khác quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ với doanh nghiệp đại chúng.
Trong hai mùa đại hội cổ đông gần nhất, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) đã thay mặt Chủ tịch Bùi Đức Thịnh (cha ông Quang), chia sẻ nhiều thông tin thú vị với các cổ đông về khách hàng, xu hướng ngành dệt may trong nước và thế giới…
Đảm nhận ghế Tổng giám đốc May Sông Hồng từ nhiều năm nay, ông Quang được đánh giá là người kín tiếng, chú trọng hiệu quả công việc và đặc biệt nhạy bén với các xu hướng mới. Môi trường kinh doanh có nhiều thách thức, đại dịch Covid-19 “thử lửa” với những doanh nghiệp có nhiều lao động như dệt may, nhưng với bản lĩnh và sự nhạy bén, lại được dẫn dắt của thế hệ đi trước, CEO May Sông Hồng không chỉ điều hành doanh nghiệp đứng vững trước khó khăn mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội để phát triển.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Duy Anh được giới IB và phân tích chứng khoán đánh giá cao về năng lực chuyên môn và khả năng quản trị nhân lực, đối ngoại khéo léo. Họ cho rằng, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch DGC may mắn vì Đào Hữu Duy Anh có tiềm năng “con hơn cha”.
Trong giới ngân hàng, bất động sản, thế hệ kế nhiệm nổi lên những cái tên như Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB (con trai ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB); Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB (con trai ông Trần Mộng Hùng); Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành…
Tin vào thế hệ trẻ
Nói là thế hệ trẻ nhưng những gương mặt doanh nhân kế nhiệm cũng đã ở độ tuổi chín về tuổi đời và tuổi nghề, thuộc thế hệ 8x, 9x. Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, chuyên gia quản trị doanh nghiệp đánh giá, những doanh nghiệp nào chuyển giao thế hệ thành công mới có triển vọng đi xa và gặt hái những thành công mới.
Thực tế cũng cho thấy thế hệ trẻ có thể đem đến những luồng gió mới cho doanh nghiệp. Gặp “thiên thời”, doanh nghiệp có thể tiến xa hơn. Trong 2 năm gần đây, cổ đông tham dự đại hội của FPT không còn đặt ra câu hỏi lo lắng về việc ban chủ tọa toàn “người già”, gồm các thành viên sáng lập như ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc, ông Đỗ Cao Bảo… Các gương mặt trong Ban Tổng giám đốc FPT hiện nay đều thuộc thế hệ 7x, 8x. Công việc chạy băng băng, hợp đồng tăng giá trị, nhân lực FPT tỏa khắp toàn cầu, tham vọng tiến tới 1 triệu người vào năm 2035, nếu không có sức trẻ lấy đâu ra động lực để đẩy “con tàu” FPT đi xa như vậy.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT từng chia sẻ, điều lo nghĩ lớn nhất của Tập đoàn và những người sáng lập FPT là sự trường tồn của tổ chức. Cá nhân ông cũng không giấu giếm sự tham công tiếc việc, thậm chí ông còn nói vui với cánh báo chí mình là người tăng động: “Chúng tôi đã nghiên cứu và học tập rất nhiều mô hình thành công trên thế giới, trong khu vực, nhưng quả thực đến thời điểm này thì rút ra một điều là tự mình phải xây ra mô hình cho mình, phù hợp với mình”.
FPT muốn tuyển lãnh đạo từ các công ty công nghệ, tin học trong nước rất khó, bởi rất ít ứng viên có kinh nghiệm lãnh đạo các công ty có quy mô lớn. “Con đường tự đào tạo để nhân sự dần trưởng thành làm lãnh đạo gian nan vô cùng, nhưng FPT đang phải thực hiện để có đội ngũ kế cận”, ông Bình chia sẻ. Có lẽ đây cũng là lý do FPT thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ quản lý để có lãnh đạo đa năng.
Tại đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Dịch vụ Hoàng Huy (mã HHS), cùng ngồi ghế chủ tọa với ông Đỗ Hữu Hạ là con trai thứ của ông - Đỗ Hữu Hậu. Cổ đông nhận xét Hậu trả lời câu hỏi rành mạch, thỏa đáng và bản lĩnh.
Năm nào đến mùa đại hội cổ đông, câu chuyện về ghế chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp niêm yết cũng được quan tâm. Thông thường, khi bỏ vốn lớn vào một doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược luôn quan tâm đến ban lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là người có quyền lực lớn nhất tại công ty. Bởi con người có ảnh hưởng lớn đến quản trị doanh nghiệp, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.
Cho đến nay, việc đào tạo đội ngũ kế nhiệm tại các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên cấp thiết. Ở nhiều doanh nghiệp, thế hệ lãnh đạo thuộc thế hệ vàng son đã nghỉ ngơi, nhường lại “ghế nóng” cho lớp trẻ. Những cái tên mới, những gương mặt dần tạo được dấu ấn và khẳng định mình trước cộng đồng, đang được kỳ vọng tạo ra sức bật và sự tiếp nối cho doanh nghiệp.