Chuyên nghiệp hoá quản trị vốn nhà nước

(ĐTCK) Hành động, hành động và hành động, ngay những ngày đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó chỉ đạo rõ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đóng vai trò quan trọng và đảm nhận nhiều phần việc trong tiến trình này. Nhân dịp đầu Xuân, Báo Đầu tư Chứng khoán trò chuyện với ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC.
Chuyên nghiệp hoá quản trị vốn nhà nước

Thay mặt Nhà nước quản vốn ở các doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ vai trò cổ đông năng động đã được SCIC thực hiện ra sao?

Sau khi nhận bàn giao vốn, các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC được phân loại thành từng nhóm A (đầu tư dài hạn), B (đầu tư linh hoạt: cơ cấu lại để bán hoặc bán ngay). Với từng nhóm doanh nghiệp, SCIC áp dụng các biện pháp quản trị phù hợp nhằm quản lý hiệu quả phần vốn nhà nước.

SCIC đã đóng đúng vai trò là cổ đông, tham gia vào các quyết định của doanh nghiệp để bảo đảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong hoạt động điều hành, SCIC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong việc soát xét các báo cáo tài chính, đưa ra chuẩn mực quản trị tiên tiến và khả năng sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả.

Cùng với hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp, SCIC hoàn thiện quy trình, quy chế nội bộ của doanh nghiệp. Quy chế Người đại diện của SCIC cùng các công cụ hỗ trợ tiện ích khác như Sổ tay hướng dẫn biểu quyết, Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, các hội thảo cập nhật chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp liên tục được SCIC tổ chức nhằm hỗ trợ cho người đại diện vốn và các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị. SCIC cũng đóng vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp với nhau để cộng hưởng sức mạnh, nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động tốt, trong danh mục của SCIC cũng có những doanh nghiệp tình hình phức tạp, khó khăn kéo dài, cần vai trò của cổ đông SCIC trong các hoạt động về quản trị, tái cơ cấu để duy trì hoạt động, chưa nói đến có lãi và hưởng cổ tức.

Trong một số trường hợp, SCIC đã phải tận dụng tối đa quyền mà cổ đông Nhà nước có được như quyền phủ quyết để có điều kiện tốt hơn trong việc bảo vệ lợi ích Nhà nước. Tất nhiên, SCIC không bao giờ sử dụng quyền này nếu các đề xuất của doanh nghiệp thực sự tốt cho doanh nghiệp và cổ đông. Nhiều trường hợp, SCIC phải cử cán bộ biệt phái tại doanh nghiệp, để cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, hàng quý, SCIC đều rà soát, cập nhật danh sách doanh nghiệp giám sát đặc biệt, tổng hợp, báo cáo, đề xuất hướng xử lý về các vướng mắc trong tình hình hoạt động và phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc diện này. 

Có thời điểm SCIC đã quản lý vốn tại cả nghìn doanh nghiệp. Nay ngoài 144 doanh nghiệp hiện hữu, SCIC sẽ tiếp nhận vốn tại bao nhiêu doanh nghiệp nữa, thưa ông?

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020”, các bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC tại 62 doanh nghiệp.

Năm 2018, chúng tôi đã chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Kết quả là đến thời điểm này, SCIC đã tiếp nhận 30/62 doanh nghiệp. Số còn lại, chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đang xây dựng dự thảo biên bản bàn giao đối với từng doanh nghiệp. Giờ chỉ còn thủ tục cuối cùng là các bộ, ngành, địa phương thống nhất với dự thảo trước khi tiến hành bàn giao.

Ngày 5/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016 - 2018 sẽ chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa.

Qua rà soát, chúng tôi ước tính có khoảng 130 doanh nghiệp thuộc đối tượng này sẽ được chuyển giao. Như vậy, tổng cộng có khoảng 160 doanh nghiệp sẽ được bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC trong thời gian tới.

Chuyên nghiệp hoá quản trị vốn nhà nước  ảnh 1

Theo Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 31/3/2019 là thời điểm cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương chuyển giao doanh nghiệp về SCIC. Có thể thực hiện được thời hạn trên hay không, vì thời gian không còn nhiều?

Khi ấn định thời điểm bàn giao hơn 160 doanh nghiệp về SCIC cuối cùng là ngày 31/3/2019, các cơ quan tham gia xây dựng Chỉ thị 01/CT-TTg đã tính toán, cân nhắc rất kỹ, trong đó có tính đến cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Đến hết thời điểm 31/3/2019, bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nào chậm bàn giao về SCIC sẽ phải giải trình, báo cáo kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đảng đã có Nghị quyết 12-NQ/TW (ngày 3/6/2017) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; Quốc hội có Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về chuyển giao doanh nghiệp nên tôi tin rằng, với chủ trương đã rõ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương bàn giao doanh nghiệp về SCIC sẽ thực hiện theo đúng Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, những khó khăn về cơ chế khi thực hiện chuyển giao đã được tháo gỡ theo quy định tại Điều 7, Thông tư 83/2018/TT-BTC về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước:  doanh nghiệp chưa quyết toán vốn lần 2 vẫn có thể thực hiện bàn giao về SCIC.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có chỉ đạo và SCIC đã có Công văn số 107/ĐTKDV-KHTH ngày 21/1/2019 gửi các bộ, địa phương để phối hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị 01/CT-Ttg.

Tinh thần của chúng tôi là bất cứ khi nào, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cũ tại doanh nghiệp chuyển giao vốn thì chúng tôi tiếp nhận ngay, cử đoàn công tác/ cán bộ làm hồ sơ cùng người đại diện tại doanh nghiệp, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tiếp nhận toàn bộ doanh nghiệp đúng tiến độ theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. 

Có tập đoàn, tổng công ty lấy lý do rằng chưa quyết toán vốn cổ phần hóa nên chưa thể bàn giao doanh nghiệp sang SCIC, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo quy định, muộn nhất 2 năm sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp phải được quyết toán vốn. Qua rà soát 160 doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC, phần lớn đều đã đủ điều kiện chuyển giao theo quy định. Bởi vậy, tôi tin rằng, điều quan trọng lúc này là phải thực thi, phải hành động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC thường được gọi vui là “phù thủy” thoái vốn với rất nhiều thương vụ ấn tượng. Liệu có một công thức chung nào cho các thương vụ thoái vốn thành công không, thưa ông?

Với mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung đang được áp dụng tại SCIC, sau khi tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước khi triển khai thoái vốn.

Để có những thương vụ thoái vốn thành công, có nhiều yếu tố cần phải lưu ý. Việc xây dựng một quy trình bán vốn chi tiết, chặt chẽ, khoa học, xóa đi những lo ngại về những lỗ hổng có thể gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn là vô cùng quan trọng.

Để có căn cứ thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ năm 2014, SCIC đã xây dựng và ban hành Quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp. Quy chế đã giúp SCIC xây dựng được quy trình bán vốn chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật. Quy chế cũng đã đưa ra một số quy định như hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô, đặt cọc, ký quỹ...

Bên cạnh đó, SCIC đặc biệt chú trọng đến việc định giá doanh nghiệp và công bố thông tin về các đợt bán vốn minh bạch, rộng rãi, tổ chức roadshow để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia dẫn đến cạnh tranh về giá; kết nối các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... giúp giá bán trung bình cao hơn cho Nhà nước.

Thoái vốn ở mỗi doanh nghiệp là mỗi câu chuyện, kinh nghiệm khác nhau, nhưng có điểm chung là SCIC phải nghiên cứu rất kỹ thị trường, doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông… để lựa chọn phương thức bán phù hợp, thời điểm phù hợp. Thêm nữa, sau khi bán vốn thành công, SCIC tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho cổ đông mới trong việc chuyển giao quản trị để cổ đông mới sớm tiếp quản doanh nghiệp.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục