Chuyên nghiệp công tác người đại diện

(ĐTCK) Sau khi Nhà nước thoái vốn, doanh nghiệp sẽ ra sao? Các chính sách cho người lao động, chiến lược phát triển doanh nghiệp có gì thay đổi? Đây là những nội dung được nhiều người đại diện đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm tại Hội nghị người đại diện của SCIC ngày 14/8.
Chuyên nghiệp công tác người đại diện

Tính đến ngày 31/7/2017, Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) có 227 người đại diện vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp. Vào ngày 10/8/2017, Tổng công ty đã sửa đổi Quy chế người đại diện vốn nhà nước, cập nhật theo các cơ sở pháp lý có liên quan. Đây là lần sửa đổi thứ 5 kể từ bản Quy chế được ban hành. Điều này cho thấy công tác người đại diện luôn được SCIC quan tâm đặc biệt.

Tại Hội nghị, trước băn khoăn của nhiều người đại diện về công tác điều hành doanh nghiệp sau khi Nhà nước thoái vốn, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng, người đại diện vốn nhà nước phải có tính chuyên nghiệp cao.

Khi đã chuyên nghiệp thì sẽ không còn lo lắng khi doanh nghiệp không còn vốn nhà nước, vì ông chủ nào vào doanh nghiệp thay SCIC đều cần những người quản trị vốn chuyên nghiệp, làm cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. 

Trong Quy chế người đại diện, SCIC đã cụ thể hoá nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quản trị công ty tại các công ty cổ phần. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, mua/bán tài sản, hợp đồng vay/cho vay có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp, hoặc có giá trị bằng/lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi tại báo cáo tài chính gần nhất, hoặc chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp; chế độ tuyển dụng thù lao tiền lương tiền thưởng của doanh nghiệp…

Trong số các tiêu chí đánh giá người đại diện, ngoài các chỉ tiêu định lượng như doanh thu lợi nhuận, chỉ số ROE, năm nay, SCIC bổ sung thêm tiêu chí quan trọng khác là yếu tố áp dụng các quy định về quản trị công ty và các thông lệ quản tri công ty tốt vào doanh nghiệp. Đơn cử, công tác tổ chức đại hội cổ đông có đúng quy định không, báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán không...

Đây tưởng chừng là những công việc rất bình thường ở các doanh nghiệp, nhưng thực tế có không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, một số người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo sát sao tới công tác tổ chức, chuẩn bị đại hội đồng cổ đông; chưa/không tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên/nhiệm kỳ đúng theo quy định.

Cá biệt, có doanh nghiệp nhiều năm liền không tổ chức đại hội đồng cổ đông, mặc dù SCIC đã có công văn đôn đốc nhiều lần. Một số người đại diện không chuẩn bị tài liệu đầy đủ và kịp thời; báo cáo sơ sài; nhiều báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ trọng yếu của kiểm toán…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Chi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong đó có cổ phần hoá và đa sở hữu doanh nghiệp tiếp tục là chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Vì thế, công tác người đại diện luôn cần được quan tâm đặc biệt, không chỉ ở SCIC, mà cần được mở rộng ở nhiều cơ quan quản lý vốn nhà nước khác.  Đây là một trong những giải pháp góp phần cải thiện hiệu quả đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Nên trao quyền nhiều hơn cho người đại diện

Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex 

Để người đại diện tiếp tục phát huy hơn nữa khả năng và đóng góp cho Vinaconex, SCIC nên trao quyền nhiều hơn cho người đại diện để họ được chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định liên quan đến hoạt động sản, xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo quy chế cần được quy định nới lỏng theo hướng người đại diện được tự mình quyết định các vấn đề kinh doanh, nhưng gắn liền với việc giao các chỉ tiêu vĩ mô mà SCIC đặt ra đồng thời gắn trách nhiệm khi thực hiện.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sở hữu Nhà nước cần nghiên cứu, cải cách quy chế, quy định để khuyển khích người đại diện chủ động, tích cực và sáng tạo trong việc thực hiện vai trò của mình tại DN, tránh tạo tâm lý "an toàn là trên hết". Đồng thời, với vai trò là trung gian, người đại diện cần được hỗ trợ nhanh nhất đối để các chỉ đạo từ SCIC đến DN được kịp thời để tận dụng cơ hội kinh doanh cho DN.

Cần có chế độ thù lao cho người đại diện quản lý vốn nhà nước tại DN

Ông Hoàng Công Doãn, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên 

Để hài hòa các lợi ích nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho cả doanh nghiệp (DN) và Nhà nước, việc tách bạch và phân biệt rõ ràng từng vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN (nhất là tách bạch giữa quyền sở hữu và quản trị DN) sẽ giúp cho mỗi vai trò đều được thực hiện tốt theo nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mục tiêu được giao phó, đồng thời vì lợi ích cao nhất của DN.

Mặt khác, phải có chế độ thù lao cho người đại diện quản lý vốn nhà nước tại DN. Hiện nay, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ điều hành DN, họ còn phải thực hiện theo quy chế người đại diện, song họ mới chỉ được hưởng lương theo chức danh lãnh đạo DN.

Ông Võ Tấn Nhung, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng và khoáng sản Bình Thuận 

Việc triển khai thực hiện Quy chế người đại diện trong thời gian qua về cơ bản đã đạt được những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của người đại diện, cần triển khai thực hiện một số quy định cụ thể hơn như: Cần quy định rõ về quyền lợi của người đại diện như tiền lương, thưởng và các quyền lợi khác của người đại diện; việc hỗ trợ người đại diện sau khi SCIC thoái vốn tại doanh nghiệp.

Thực tế nhiều năm qua, người đại diện chuyên trách tại doanh nghiệp chưa được hưởng chế độ thù lao của người đại diện, mà chỉ được hưởng tiền lương, thù lao theo chức vụ tại doanh nghiệp. Một số người đại diện sau khi Nhà nước thoái vốn không được doanh nghiệp sử dụng gặp khó khăn trong việc bố trí công việc. SCIC cần tổ chức nhiều hơn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật thông tin để nâng cao năng lực và nghiệp vụ của người đại diện.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam

Tôi mong muốn SCIC tiếp tục hỗ trợ DN trong việc điều hành hoạt động DN, góp phần nâng cao hiệu quả bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN. SCIC cần quy định rõ về quyền lợi của người đại diện cũng như các chế khác để khuyến khích và ghi nhận sự đóng góp của người đại diện trong công tác quản trị DN, đặc biệt là các chế độ sau khi thôi người đại diện do SCIC thoái vốn tại DN.

SCIC nên có nhiều buổi tập huấn cho người đại diện về quản trị DN như: quản trị điều hành, quản trị nhân sự để người đại diện có kỹ năng lãnh đạo chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, hình thành kênh trao đổi thông tin và hổ trợ giữa các DN do SCIC quản lý, cũng như hỗ trợ mối quan hệ giữa các người đại diện để tìm kiếm cơ hội kinh doanh với nhau.

Phong Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục