Chuyện mã cổ phiếu đầu tiên của sàn HOSE

(ĐTCK) Từng ví kinh doanh như đi xe đạp, nhưng với tốc độ phát triển của CTCP Cơ Điện Lạnh REE trong suốt hơn 20 năm kể từ khi cổ phần hóa, thì có lẽ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE phải là người luôn lái chiếc xe ô tô đời mới.
Lợi nhuận của REE năm 2014 ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng, gấp 30 lần thời điểm mới lên sàn Lợi nhuận của REE năm 2014 ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng, gấp 30 lần thời điểm mới lên sàn

Kết thúc năm 2000, năm đầu tiên lên niêm yết, REE ghi nhận con số 225 tỷ đồng doanh thu và 30,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mức khả quan so với các DN thời đó. Gần 15 năm sau, mức sinh lời của REE đã tăng gấp hơn 30 lần, lên con số cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2014, ước tính, REE có thể vượt 10% trở lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 900 tỷ đồng. Thành công của REE ngoài yếu tố con người, môi trường kinh doanh thuận lợi, không thể không kể đến vai trò “bà đỡ” của TTCK.

Không nằm trong nhóm 6 DN được lựa chọn thí điểm cổ phần hóa ban đầu, nhưng với 8 năm trên cương vị Tổng giám đốc REE, bà Mai Thanh khi đó hiểu rằng: “DN nhà nước có những quy định rất khuôn mẫu, dẫn đến quá trình ra quyết định chậm lại. Mà trong kinh doanh, tính thời điểm rất quan trọng. Thêm vào đó, cổ phần hóa cũng giúp Công ty thuận lợi hơn trong việc xây dựng cơ chế mới để gắn kết người lao động, tăng hiệu quả kinh doanh”. Vậy là, tháng 12/1992, REE xin cổ phần hóa. Một năm sau, ngày 25/12/1993, REE chính thức trở thành công ty cổ phần.

Cơ chế mới tăng khả năng thích ứng, cạnh tranh trong môi trường mới. Người lao động có thêm động lực để phấn đấu, vừa là để tăng thu nhập từ việc làm, vừa để tăng thu nhập từ vốn cổ phần. Cổ phần hóa, cộng với sự thay da đổi thịt không ngừng của kinh tế chung đã giúp REE phát triển mạnh mẽ. Đứng trước cơ hội kinh doanh mới, nhưng REE vẫn chưa giải được bài toán đầu tiên là… tiền đâu?

Lãi suất ngân hàng giai đoạn 1995-1996 lên tới 24-25%/năm khiến ý tưởng dùng vốn vay để mở rộng kinh doanh không khả thi. Nhưng rồi, cơ may mở ra với REE, khi Công ty nhận lời đề nghị chào mua 5 triệu USD trái phiếu chuyển đổi từ quỹ đầu tư nước ngoài. Năm 1997, REE phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi quốc tế, với nhiều điều đáng nhớ: là trái phiếu quốc tế đầu tiên của Việt Nam, trái phiếu chuyển đổi đầu tiên, thời gian, thủ tục chuẩn phức tạp nhất.

“Tôi phải đi gặp lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo Nhà nước để giải trình, xin thông qua thủ tục, vì REE là trường hợp đầu tiên phát hành như thế”, bà Thanh nhớ lại.

Chặng đường gần 20 năm sau đó, trong đó có 15 năm niêm yết, REE cũng thực hiện nhiều đợt phát hành, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu cho nhiều NĐT khác nhau, nhưng có lẽ, đây là đợt phát hành đầu tiên với nhiều kỷ niệm đáng nhớ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của REE sau này.

Phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công, REE cùng lúc đạt được nhiều lợi ích. Được vay vốn với mức lãi suất 4,5% trong 3 năm, trong khi vốn vay ngân hàng có lãi suất gấp hơn 5 lần như thế. Có vốn, REE đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và mảng điện lạnh với thương hiệu mới REEtech cũng ra đời, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Có lẽ, việc gặt hái những thành công liên tục nhờ TTCK khiến Ban lãnh đạo REE hào hứng tham gia niêm yết cổ phiếu ngay khi nhận được lời đề nghị từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. “Chị Liên (bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBCK) đã tìm đúng người khi gặp REE đề nghị niêm yết cổ phiếu. Chị nói một câu là REE đồng ý ngay, bởi chúng tôi xác định niêm yết có 2 cái lợi: một là sẽ dễ dàng hơn cho huy động vốn cho Công ty, hai là cổ đông có điều kiện dễ dàng mua bán cổ phiếu khi cần. Lợi ích của TTCK đã quá rõ ràng rồi, có gì phải suy nghĩ nữa. Và REE đã nhận giấy phép niêm yết số 1 của Trung tâm GDCK TP. HCM khi đó”, bà Thanh cho hay.

Tổng kết 15 năm niêm yết, Ban lãnh đạo REE cho rằng, đó là một quyết định rất đúng đắn và REE đã được hưởng lợi rất nhiều từ TTCK. Minh bạch quản trị để kinh doanh an toàn, hiệu quả hơn; dễ dàng hơn trong việc huy động vốn để mở rộng kinh doanh. Đặc biệt, mảng đầu tư với hàng loạt công ty con, công ty liên kết như Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ, Than Núi Béo… hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của REE cũng được triển khai thuận lợi nhờ quá trình hoạt động thông suốt của TTCK.

Ngày nay, REE đã định hình theo mô hình tập đoàn với nhiều công ty con hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu, vượt xa kỳ vọng của đa số cổ đông những ngày REE bắt đầu niêm yết.

Bài 2: Chủ tịch HĐQT REE: “Tôi đã từng rớt nước mắt”

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục