Chuyện kinh doanh mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Rất nhiều người nghèo đã dùng những đồng tiền ít ỏi phòng thân để mua những sản phẩm này theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Trục lợi dựa trên sợ hãi của người dân khi dịch bệnh là tội ác!”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI đã bức xúc nhận xét.

Chiều chủ nhật, mẹ tôi alo điện thoại hỏi về thuốc hoạt huyết dưỡng não hỗ trợ điều trị Covid-19. Chẳng là, hơn 70 tuổi, lâu nay bà vẫn được tôi mua biếu loại thuốc đông dược uống cho khỏe khoắn hơn, dễ ngủ. Nhưng lần này bà đòi mua đúng tên loại thuốc được quảng cáo kia khiến tôi tò mò, vừa đúng lúc anh bạn trong Ban phụ huynh học sinh trường Hà nội - Amsterdam gửi hình ảnh theo công văn của Bộ Y tế ban hành ngày 24/7/2020 công bố 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19 trong đó có Hoạt huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất.

Mẹ tôi kể, bà bạn hàng xóm vừa đi ôm 15 hộp về mất gần 2 triệu đồng, loại thuốc này vừa tăng giá đầu tháng 7 vừa qua.

Thật tệ, làm gì có thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19. Tôi giảng giải cho mẹ một hồi rồi chia sẻ với nhiều phóng viên viết về y tế, họ cũng bức xúc không kém.

Và đến sáng hôm qua (26/7), Bộ Y tế đã phải ban hành công văn 5967/BYT -YDCT về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT – là công văn có nội dung về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid -19 bằng thuốc y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

“Có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này”, công văn do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký cho biết.

Cũng chính Công ty Dược phẩm Nhất Nhất đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng khi quảng cáo trong khung giờ vàng của VTV clip nếu ai không mua hoạt huyết Nhất Nhất là bị nghiệp quật, cách đây không lâu. Thật không thể hiểu nổi tại sao một mẫu quảng cáo như vậy lại lọt qua nhà đài.

Cũng cần lưu ý rằng, các sản phẩm của Nhất Nhất có giá không hề dễ chịu, chẳng hạn Xương khớp Nhất Nhất 1 hộp 20 viên có giá tới trăm nghìn đồng dùng trong 5 ngày. Chủ yếu quảng cáo giờ vàng trên tivi nên không ít người cao tuổi đã xiêu lòng bỏ ra tiền triệu mua vài hộp hoặc yêu cầu con cái họ bỏ ra những đồng tiền chắt chiu để mua mà không rõ công dụng được bao nhiêu.

Giữa mùa dịch phức tạp, Công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành ngày 24/7 đã gây xôn xao dư luận khi đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 sản phẩm súc miệng, xịt khuẩn, phòng và hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khỏe bệnh nhân COVID-19, như một hình thức “chỉ định thầu”.

Theo báo Tuổi Trẻ, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng “đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua”.

Trong khi công văn 5944 của Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước căn cứ công văn này “tham khảo, lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và F1 tại địa phương”.

26 sản phẩm do Bộ Y tế khuyến nghị sử dụng chủ yếu do 5 đơn vị sản xuất, trong khi sản phẩm tương tự trên thị trường rất nhiều.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, theo quy định hiện hành, nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được kê đơn, chỉ được “tư vấn”. Nhưng hướng dẫn của Bộ Y tế ghi rõ tên sản phẩm để bệnh viện “tham khảo lựa chọn đấu thầu, mua sắm” rõ ràng là một hình thức “chỉ định thầu”.

Trong danh mục 26 sản phẩm có cả những sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Đáng chú ý, chỉ 5 ngày trước khi có công văn 5944, một sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong danh mục này đã tăng giá lên 1 triệu đồng/hộp, trong khi giá trước đây là 100.000 – 250.000 đồng/hộp.

Có lẽ vì quá bức xúc mà ông Nguyễn Duy Hưng đã lên tiếng trên facebook cá nhân: “Cần xem xét điều tra hình sự hành vi bắt tay trục lợi, chứ không thể xử lý đơn giản thích thì phát hành văn bản khuyến nghị xong hôm sau thấy dư luận phản ứng thì thu hồi. Hôm qua rất nhiều người nghèo đã dùng những đồng tiền ít ỏi phòng thân để mua những sản phẩm này theo khuyến nghị của Bộ Y tế! Trục lợi dựa trên sợ hãi của người dân khi dịch bệnh là tội ác!”.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục