Nhằm có thêm nhiều thứ, một người có khi phải mang theo cả đàn dê hoặc xe củi mà vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu, vì thế dần dà họ thỏa thuận với nhau bằng các thứ nhẹ hơn, mang tính ước lệ song cũng là những vật hiếm quý như vỏ sò, ốc biển, ngọc ngà. Trải qua nhiều thay đổi, thế giới đã có tiền xu và tiền giấy, gọn nhẹ, giao dịch dễ dàng.
Hiện nay, các nước sử dụng tiền giấy là chủ yếu, trong đó được trao đổi nhiều nhất trên thương trường quốc tế là ba tờ bạc gồm bảng Anh, đô la Mỹ và phrăng Pháp. Nhiều người nghĩ tiền giấy vốn là phát minh của phương Tây. Thế nhưng, Trung Quốc mới là nước đầu tiên nghĩ ra tiền giấy.
Trước khi Thụy Điển phát hành những tờ bạc đầu tiên của châu Âu vào năm 1661 thì ở Trung Quốc trước đó 700 năm tiền giấy đã xuất hiện. Sau hàng thế kỷ dùng tiền xu, một số thương nhân buôn bán lớn vì mục đích an toàn đã trao đổi với nhau bằng tiền giấy, những tờ giấy ghi mệnh giá (số tiền xu) và có chữ ký chứng nhận của chủ nhân…
Vì tiền giấy nhẹ, dễ thổi bay và nhiều trường hợp do tiền bị bung mà bay đi khiến người ta phải đuổi theo bắt lại nên buổi đầu chưa biết đặt tên gì, dân gian gọi đó là phi tiền. Thấy tiện dụng, triều đình cũng học theo và làm nên những tờ bạc đầu tiên, song tiền xu vẫn được dùng nhiều nhất cho đến khi nhà Tống chấp nhận cho lưu hành toàn quốc tiền giấy với giá trị ngang tiền xu.
Từ trước đến nay, sự phát triển của một quốc gia hay một nền văn minh vẫn dựa trên tiền tệ, hay nói cách khác là sự vận hành của tiền trong cuộc sống. Song cũng có một số ngoại lệ. Chẳng hạn như Đế chế Inca - một vương quốc nổi tiếng ở Nam Mỹ ngày xưa, lại hoàn toàn không dùng đến tiền, không biết tiền là gì. Sở dĩ như vậy vì người Inca tuân theo Luật Mita về lao động công ích. Từ 15 tuổi trở lên, tức tuổi trưởng thành, nam giới đều phải lao động công ích trong một số ngày, thậm chí là 2/3 năm, để xây dựng các cung điện, nhà cửa, đường xá trong thành phố. Bù lại, triều đình sẽ cho họ cái ăn, cái mặc, chỗ ở…
Thời trung cổ ở Anh, do tiền còn ít và đa số người dân mù chữ, để có thể tính toán công sá, nợ nần, người ta đã nghĩ ra một loại thẻ gỗ là tiền thân của thẻ tín dụng ngày nay. Họ khắc trên gỗ những cái dấu cho thấy số tiền vay - trả, sau đó chẻ nó ra làm đôi, chủ nợ giữ một nửa, con nợ giữ một nửa của thanh gỗ. Đến kỳ thanh toán thì ghép chúng lại và chỉnh sửa các mốc dấu xem đã chi trả đến đâu. Trong 800 năm, điền chủ châu Âu đã dùng cách này để thu thuế, tính lời lãi và đến năm 1826 mới thôi dùng.
Mỗi khi đồng tiền có giá thì nạn làm giả tiền cũng xuất hiện, gây tổn thất lớn đến nền kinh tế. Trong thời chiến, dường như nước nào cũng gặp cảnh làm giả tiền. Nước Mỹ trong nội chiến cũng không ngoại lệ. Ước tính lúc ấy có tới ít nhất 1/3 số tiền đang lưu hành trên thị trường đều là tiền giả. Vì vậy, năm 1865, Chính phủ Mỹ đã lập nên Cục Mật vụ, không phải để bảo vệ tổng thống mà nhằm chiến đấu với tội phạm rửa tiền.
Ngoài tên gọi thông thường, ở mỗi nước cũng có những từ “lóng” chỉ các loại tiền, nhất là tiền giấy. Tùy theo hình ảnh hay màu sắc của tờ bạc mà nó có các tên gọi khác nhau. Ví dụ ở Australia, tờ năm đô la được gọi là fairy floss, galah, skydiver, pink lady…; 10 đô la - blue swimmer, blue tongue, blue heeler…; 20 đô la - red lobster, crayfish, rockmelon…; 50 đô la - pineaple, mcgarrett, yellow peril… Tại Nga, tờ 50 rúp là poltinnik, 100 rúp - stonik, 500 rúp - pyatihatka, 1.000 rúp - shtuka, một triệu rúp - limon và một tỷ rúp - arbuz… Ở Mỹ, tờ 5 đô la là fin, 10 đô la - sawbuck hoặc hamilton, 20 đô la - dub/jackson, 100 đô la - c/benjamin/yard, 300 đô la - 3 yard, 50 đô la - nửa yard…, 1.000 đô la - g/k. Đồng euro trong 10 năm đầu cũng có một số tên gọi thú vị, như ở Anh là quid, ở Đức là teuro…
Ngày nay, vì chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài cao hơn trong nước nên có rất nhiều người đã chọn cách đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền. Mỗi năm, họ gửi về quê hương tới hơn 500 tỷ đô la kiều hối trên toàn thế giới, góp phần không nhỏ xây dựng kinh tế nước nhà.
Ngoài tiêu tiền, nhiều người còn sưu tập tiền như một thú vui. Dù rằng thú chơi tiền đã có từ lâu song phải đến những năm 1950 nó mới trở thành hiện tượng toàn cầu. Đến nay, có cả triệu nhà sưu tập tiền và cứ đầu năm lại mua bán những đồng xu cổ hay tiền giấy quý hiếm. Người ta cho rằng, thú chơi tiền ngoài mang lại sự giàu có, danh tiếng cho chủ nhân, còn mang lại cho họ sự giải trí lớn, như được đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, phong tục tập quán cùng điều kiện địa lý, sinh thái.
Trong các đồng tiền cổ, có một số đồng xu đang giữ vị trí đứng đầu về sự đắt đỏ. Đơn cử là đồng Flowing Hair dollar của Mỹ ra đời năm 1794 đang có giá tới 10.016.875 đô la và được bán tại nhà đấu giá Stack Bowers Galleries vào tháng Giêng 2013; đồng Saint-Gaudens Double Eagle cũng của Mỹ năm 1933 có giá 7.590.020 đô la (tại Sotheby tháng 7/2002), đồng Umayyad Gold Dinar của Islamic Caliphate Hijaz năm 723 có giá 6.029.400 đô la (tại Morten & Eden tháng 4/2011).
Tờ bạc đắt nhất thế giới là tờ 1.000 rupeess của Ấn Độ, năm 1928 có hình ảnh của vua George Karachi và là tờ bạc duy nhất thuộc loại này còn lại đến nay, với giá 20 triệu đô la. Tờ bạc đắt thứ hai là bộ tứ 10, 20, 50 và 100 nghìn tỷ đô la của Zimbabwe có giá 5.988.999 đô la. Tờ bạc đắt nhất của Mỹ là tờ 1.000 đô la trái dưa hấu lớn, năm 1890 có giá 2.225.000 đô la và do hai nhà sưu tập tư nhân chuyển nhượng cho nhau. Nó được gọi là trái dưa hấu lớn vì trên ba số không của số 1.000 đều có những sọc màu xanh trông như trái dưa vậy!