Chuyển hướng xuất khẩu gạo cao cấp, lợi nhuận Trung An (TAR) tăng mạnh trở lại quý III/2021

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi lợi nhuận sụt giảm tới 68% nửa đầu năm do giá cước tăng, nhiều nhà máy dừng sản xuất, trong quý III/2021, lợi nhuận Trung An dự kiến tăng 66% so với cùng kỳ.
Chuyển hướng xuất khẩu gạo cao cấp, lợi nhuận Trung An (TAR) tăng mạnh trở lại quý III/2021

Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HoSE: TAR) cho biết, trong quý III/2021, doanh thu của Công ty ước đạt 500 tỷ, giảm 8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với quý II/2021.

Nguyên nhân khiến doanh thu giảm nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh bởi vì Công ty đã chuyển chiến lược tập trung xuất khẩu dòng gạo sạch cao cấp có giá xuất khẩu cao hơn. Ngoài ra, nhờ khai thác canh tác toàn bộ diện tích Cánh đồng mẫu Kiên Giang theo quy trình mới, cải tiến kỹ thuật làm đất, tưới tiêu, phun, sạ… giúp tiết giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất lúa thu hoạch.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Công ty sẽ tham gia đấu thầu nhiều gói thầu xuất khẩu có giá trị lớn sang thị trường châu Á như: Hàn Quốc, Malaysia, Philippines… Riêng thị trường châu Âu, từ tháng 6/2021, Công ty đã mở Văn phòng đại diện tại Hamburg (Đức) để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu tiếp cận sản phẩm của Công ty được thuận tiện hơn. Thực tế, qua 2 tháng, lượng khách hàng ở châu Âu đến mua sản phẩm của Công ty tăng khá nhiều.

Với kết quả kinh doanh quý III/2021 lạc quan, Trung An tự tin khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, Công ty sẽ hoàn thành thậm chí vượt mức kế hoạch kinh doanh đã được thông qua tại Đại hội cổ đông năm 2021.

Trước đó, Công ty đã có quý II/2021 kinh doanh ảm đạm do tình hình trên thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh khốc liệt với gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ, đồng thời tình hình dịch bệnh lan rộng dẫn tới giãn cách xã hội làm quá trình giao thương bị chậm trễ.

Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần của Trung An giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của Công ty tăng 7%, biên lãi gộp cải thiện từ 7.1% lên 8.6%. Tuy nhiên, gánh nặng lãi vay khiến hoạt động tài chính của Công ty tăng lỗ từ 16 tỷ đồng lên gần 19 tỷ đồng.

Đặc biệt, chi phí bán hàng gấp 3,1 lần cùng kỳ, lên gần 30 tỷ đồng chủ yếu do chi phí dịch vụ thuê ngoài gấp 2,4 lần, lên gần 31 tỷ đồng. Các yếu tố này khiến lợi nhuận ròng quý II/2021 của Công ty giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 16 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Trung An ghi nhận hơn 1.229 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 67%, còn gần 20 tỷ đồng. Năm 2021, Trung An đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 26% so với thực hiện năm 2020.

Theo lý giải của lãnh đạo công ty, nguyên nhân khiến chi phí của công ty tăng trong quý II/2021 chủ yếu là do ảnh hưởng mạnh của dịch Covid 19 khiến một số công ty, nhà máy, xí nghiệp phải rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời, đứt gãy chuỗi cung ứng. Giá cước vận tải quốc tế tăng mạnh: tăng gấp 2,3 lần với thị trường châu Á và tăng gấp 3 lần với thị trường châu Âu. Việc các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ” cũng khiến chi phí tăng trong khi công ty lại không tăng giá bán, thực hiện các chương trình bình ổn giá.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục