Xuất khẩu gạo châu Á gặp khó do cước vận chuyển tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu gạo của một số quốc gia châu Á như Thái Lan, Ấn Độ và cả Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khâu vận chuyển như thiếu tàu chở hàng, cước phí vận tải tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng xuất khẩu gạo do cước phí vận chuyển tâng quá cao. Nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng xuất khẩu gạo do cước phí vận chuyển tâng quá cao.

Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do thiếu tàu vận chuyển, chi phí logistics tăng cao cũng khiến giá gạo xuất khẩu tại một số nước châu Á sụt giảm. Theo tin từ Thai Rice Exporters, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan hiện ở mức 390- 400 USD/tấn, so với mức 390- 403 USD cách đây một tuần.

Một số nguồn tin từ Thái Lan cho biết giá gạo giảm thấp đã thu hút khách hàng truyền thống ở Trung Đông hỏi mua. Tuy nhiên, việc khan hiếm tàu chở gạo khi có rất ít tàu cập cảng Thái Lan vẫn là một thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng của nước này.

7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã sụt giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2,59 triệu tấn.

Trong khi đó, Bangladesh cho phép tư nhân nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo. Bangladesh vốn là nhà sản xuất gạo lớn, nhưng đã chuyển thành nhà nhập khẩu gạo lớn sau khi lũ lụt triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng năm ngoái.

Bangladesh chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ do thuận lợi về mặt địa lý, nhưng giá gạo của Ấn Độ có thể tăng do nhu cầu từ Bangladesh tăng. Nhưng giá cước vận chuyển gạo từ Ấn Độ tới Bangladesh cũng rẻ hơn nhiều so với từ Thái Lan hay Việt Nam.

Hiện gạo nhập khẩu đã bắt đầu được chuyển vào Bangladesh thông qua các cảng đất liền. Quốc gia này đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn tính đến tháng 6, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó trong bối cảnh nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao, dịch Covid-19 tái bùng phát và nguồn cung cao bởi đang vụ thu hoạch Hè Thu. Ngoài ra, việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm cũng tác động đẩy giá gạo Việt Nam giảm theo.

Tại Việt Nam, giá gạo tuần này ở mức 385 USD/tấn trong bối cảnh nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giãn cách xã hội để chống Covid-19, khiến cho hoạt động giao hàng của các nhà xuất khẩu buộc phải trì hoãn lại.

Điều này đã tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu gạo trong tháng 8. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong nhóm nông thủy sản, khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.

Theo ông Nam, giá cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, trong khi tàu hàng vào cảng lâu, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Điều này, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của doanh nghiệp rất khó khăn.

Dự báo tình hình xuất khẩu gạo trong nửa đầu tháng 9 của Việt Nam còn diễn biến chậm do dịch vụ đóng rút gạo tại một số cảng chính đã tạm dừng hoạt động. Chẳng hạn, cảng Tân Cảng Hiệp Phước (TP.Hồ Chí Minh) đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của đơn vị này, sớm nhất cũng phải đến trung tuần tháng 9/2021 mới hoạt động trở lại do có công nhân mắc Covid-19.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, việc Tân Cảng Hiệp Phước tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam và châu Á trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19, tuy nhiên, cước phí vận chuyển tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ là bài toán cho các nhà xuất khẩu gạo trong duy trì hiệu quả kinh doanh, xuất khẩu.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục