Chuyên gia virus học: SARS-CoV-2 gần như chắc chắn có nguồn gốc từ động vật

0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm các chuyên gia về virus cho biết, virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 gần như chắc chắn có nguồn gốc từ một loài động vật, có thể là tại khu chợ mua bán động vật hoang dã ở Trung Quốc và không liên quan đến phòng thí nghiệm.
Ảnh chụp bên ngoài khu chợ bán động vật hoang dã Hoa Nam ở Vũ Hán hôm 21/1. (Ảnh: AP). Ảnh chụp bên ngoài khu chợ bán động vật hoang dã Hoa Nam ở Vũ Hán hôm 21/1. (Ảnh: AP).

SARS-CoV-2 không có khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Nhóm 20 chuyên gia hàng đầu từ Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia khác cho biết, giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm hầu như dựa vào sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không có bằng chứng xác thực.

Họ đã theo dõi các cuộc thảo luận, thậm chí có cả cuộc thảo luận tại Nhà Trắng, về khả năng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, đồng thời hợp tác với nhau để phân tích bằng chứng.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều bằng chứng được công bố trong một bản đánh giá đăng tải trên internet.

Bản đánh giá này có chữ ký của nhiều nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về các chủng virus corona và gen di truyền của chúng, trong đó có chuyên gia về virus học Kristian Andersen thuộc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California (Mỹ), nhà sinh học tiến hóa Michael Worobey của Đại học Arizona; Andrew Rambaut thuộc Viện Sinh học Tiến hóa tại Đại học Edinburgh… Nhiều nhà khoa học trong số đó đã tự thực hiện các nghiên cứu điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trong bản đánh giá, nhóm nghiên cứu nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật và có rất nhiều mối liên hệ dịch tễ học đối với các chợ động vật ở Vũ Hán".

Chợ Hoa Nam – tâm điểm của mọi sự nghi ngờ

Dựa trên dữ liệu dịch tễ học, chợ Hoa Nam ở Vũ Hán là tâm điểm chính của dịch bệnh. Hai trong số 3 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên có liên quan trực tiếp đến khu chợ buôn bán động vật hoang dã này. Nhìn chung, 55% số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc trong tháng 12/ 2019 đã tiếp xúc với chợ Hoa Nam hoặc các khu chợ tương tự khác ở Vũ Hán.

Trong năm 2019, các chợ ở Vũ Hán, trong đó có chợ Hoa Nam, buôn bán hàng nghìn động vật hoang dã còn sống, bao gồm các loài có nguy cơ cao như cầy hương và lửng chó. Virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong các mẫu môi trường tại chợ Hoa Nam, chủ yếu ở mạn phía Tây nơi có tiểu thương buôn bán động vật hoang dã và khu vực thoát nước, dù khu chợ này đã bị đóng cửa.

Trước đó, các chuyên gia của WHO nhận định rằng, virus SARS-CoV-2 có thể đã đến Vũ Hán qua con đường buôn bán động vật hoang dã.

Bản đánh giá cũng lưu ý, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện một loại virus mới tại Vũ Hán bởi đây là “thành phố lớn nhất ở miền Trung Trung Quốc có rất nhiều chợ buôn bán động vật, là trung tâm du lịch và thương mại, kết nối với nhiều khu vực khác ở Trung Quốc và quốc tế”.

Theo chuyên gia này, virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào cộng đồng bằng nhiều cách thức khác nhau. Tuy vậy, một số bằng chứng có giá trị đã biến mất khi các chợ động vật tại Vũ Hán được khử trùng và dọn dẹp vệ sinh. “Họ đóng cửa các trang trại. Họ dọn dẹp và đưa hết động vật ra khỏi các khu chợ đó”, ông Robert Garry nói.

Các chuyên gia cho biết, những mẫu xét nghiệm thu thập được từ Chợ Hải sản Hoa Nam và các khu chợ khác cho thấy virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại đây và nhiều khả năng một số động vật đã bị nhiễm virus này, nhưng mọi dấu vết đã bị xóa bỏ. “Chúng tôi muốn biết nhiều hơn. Chúng tôi mong chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin nhiều hơn một chút về việc buôn bán động vật hoang dã”, ông Garry nói.

WHO hiện đang dẫn đầu nỗ lực điều tra nguồn gốc dịch Covid-19. Trong báo cáo công bố vào tháng 3/2021, nhóm chuyên gia của WHO cho biết, virus SARS-CoV-2 nhiều khả năng có nguồn gốc từ động vật, sau đó lây sang người, giống như các chủng virus corona khác.

Phần lớn cuộc điều tra tập trung vào các ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại chợ hải sản Hoa Nam. Tuy vậy, kết quả điều tra của WHO đã vấp phải nhiều nghi ngờ từ chính phủ Mỹ và Anh. Theo Washington, Trung Quốc đã không cung cấp đủ thông tin minh bạch cần thiết.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học kêu gọi chấm dứt những đồn đoán vô căn cứ về nguồn gốc dịch Covid-19. Hồi đầu tuần này, trong bức thư gửi tới tạp chí Lancet, một nhóm các nhà khoa học khác đã kêu gọi cần phải tiến hành điều tra một cách khoa học và hợp lý.

"Việc thu thập thông tin khoa học một cách cẩn thận và minh bạch là điều cần thiết để hiểu được cách thức virus lây lan, đồng thời phát triển các chiến lược giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, cho dù dịch bệnh bắt nguồn hoàn toàn trong tự nhiên hoặc xâm nhập vào cộng đồng thông qua một con đường nào đó. Những cáo buộc và phỏng đoán không có lợi ích gì vì chúng không tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin và đánh giá khách quan về con đường lây truyền, vốn rất cần thiết để ngăn chặn những dịch bệnh tương tự trong tương lai”.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục