Chuyên gia VinaCapital tự tin định giá P/E của Việt Nam đang rất hấp dẫn, thích hợp nắm giữ cổ phiếu cho tầm nhìn 5-10 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam về dài hạn là tích cực vì nền kinh tế đất nước đang trong chu kỳ tăng trưởng nhanh so với các nước đang phát triển, dựa trên nền tảng tốt về dân số lớn 100 triệu dân, trẻ, mức độ phụ thuộc thấp, và thu hút được nhiều FDI.
Chuyên gia VinaCapital tự tin định giá P/E của Việt Nam đang rất hấp dẫn, thích hợp nắm giữ cổ phiếu cho tầm nhìn 5-10 năm

Đây là nhận định của bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu - Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chia sẻ trong Hội nghị Nhà đầu tư 2022 do VinaCapital tổ chức, bà Thu nhấn mạnh “sự ổn định” của nền kinh tế Việt Nam là vượt bậc so với kinh tế trong khu vực, tiêu biểu Asean đang bị phá giá đồng tiền lớn, thì VND vẫn ổn, lãi suất vẫn thấp so với các nước.

"Một nền kinh tế phát triển tích cực trong dài hạn cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ tốt, là điều kiện tiên quyết cho thị trường chứng khoán phát triển", bà Thu nói.

Bà Nguyễn Hoài Thu
Bà Nguyễn Hoài Thu

Nhưng nói về ngắn hạn, không thể không nhắc đến các “rào cản mạnh” hiện nay là căng thẳng địa chính trị toàn cầu, châu Âu - châu Á, Mỹ - Trung Quốc… phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá cả hàng hoá tăng cao… Ngoài ra, còn tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Vấn đề lạm phát tăng cao cũng khiến các NHTW đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt thay vì nới lỏng - chắc chắn không có lợi cho TTCK vì tăng chi phí vốn của doanh nghiệp đi vay nên sẽ bóp lợi nhuận doanh nghiệp, đồng thời làm tăng mức chiết khấu khi định giá.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới chậm lại và mấp mé bờ vực “suy thoái” cũng không có lợi cho kinh tế Việt Nam bởi độ mở của kinh tế Việt Nam lớn, tổng giá trị giao thương gần 200% GDP.

Với riêng Việt Nam, câu chuyện siết chặt quản lý trên TTCK và trái phiếu, đã làm chậm lại quá trình huy động vốn của tổ chức phát hành để mở rộng kinh doanh, đặc biệt là bất động sản.

Theo bà Thu, ở góc độ nhà đầu tư chuyên nghiệp và có tầm nhìn dài hạn thì đây là diễn biến tích cực, vì mang lại môi trường đầu tư lành mạnh, tăng tính hấp dẫn, nhưng với nhà đầu tư cá nhân thì bị ảnh hưởng tâm lý, hoang mang, thể hiện qua thanh khoản suy giảm.

Chỉ số VN-Index giảm bám sát với sụt giảm thanh khoản, nhưng lưu ý, mức thanh khoản hiện nay vẫn đang cao hơn gấp 3 lần so với giai đoạn trước covid.

Một điểm đáng lưu ý khác là khối ngoại đã rút ròng năm 2021, năm 2022 thì các thị trường “láng giềng” đã hút ròng trở lại, nhưng Việt Nam vẫn đang bị rút ròng 57 triệu USD (cho 9 tháng) - đưa mức độ sở hữu của khối ngoại giảm xuống, kéo theo việc các doanh nghiệp trước đây hết room ngoại thì nay hở room. Đây là cơ hội!

Bà Thu chia sẻ thêm, năm 2021 thị trường Việt Nam tăng mạnh nhưng khối ngoại vẫn rút ròng cực mạnh, điều này chứng tỏ khi đồng USD mạnh lên thì họ sẽ rút về chính quốc, về thị trường phát triển, cộng thêm xuất hiện các yếu tố bất định từ rủi ro địa chính trị, họ sẽ rút mạnh hơn.

Vậy tại sao hiện các thị trường Asean đang hút ròng, mà tại Việt Nam vẫn bị bán ròng, theo bà Thu, điều này có thể được lý giải rằng năm 2022 là năm của giá cả hàng hoá tăng lên, các thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan có hàng hoá nên hút dòng tiền hơn, và là thị trường mới nổi, còn Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, bị đánh giá là có rủi ro hơn.

Với các yếu tố trên, đâu sẽ là điểm sáng trên thị trường? Bà Thu tự tin rằng, đó chính là định giá PE của thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn, kể cả so với trong quá khứ và cả so với các thị trường trong khu vực.

Mức độ chiết khấu về định giá P/E tương lai của Việt Nam so với thị trường Đông Nam Á cho thấy mức chiết khấu trung bình 5 năm gần đây thấp hơn nhiều so với mức chiết khấu hiện nay. Trong 5 năm gần đây, mức chiết khấu định giá trung bình của Việt Nam so với Thái Lan, Indonesia, Philippines là 12% còn hiện tại đang là 36%, cho thấy Việt Nam đang rẻ hơn tương đối

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2023 của các doanh nghiệp niêm yết là 19%, cao hơn hẳn so với khu vực - đây là điểm đặc biệt lưu ý.

Hiện hiệu số giữa Earning Yield - lợi tức từ việc nắm giữ cổ phiếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại VCB đang ở mức cao nhất trong 10 năm, cũng minh chứng thêm cho sự hấp dẫn tương đối của việc nắm giữ cổ phiếu so với gửi tiết kiệm.

Theo đó, bà Thu nhìn nhận, đây là thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu cho các nhà đầu tư dài hạn, có tầm nhìn 5-10 năm.

Nói về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital đánh giá có rất nhiều cơ hội như ở năng lượng mặt trời, điện gió, bất động sản, khu công nghiệp, và đầu tư tư nhân thì hy vọng sẽ công bố đầu tư 1 thương vụ lớn – deal PE vào cuối năm, bên cạnh đó là các cơ hội đầu tư lớn như bệnh viện.

“Quan trọng là lợi nhuận so với rủi ro có đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Andy Ho chia sẻ.

Trên thị trường chứng khoán, chuyên gia VinaCapital khuyến nghị nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở những doanh nghiệp có cải thiện rõ rệt trong quản trị, tăng trưởng tốt.

Bà Thu cho biết, mức tăng trưởng lợi nhuận 19% là mức chung, nhưng có ngành tăng trưởng vượt trội, như công nghệ có FPT tăng trưởng 26% - top tỷ trọng trong danh mục ở các quỹ mở do VinaCapital quản lý. Hay như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển tăng trưởng tốt 2023, và ngân hàng mà lúc này chưa có nhiều tỷ trọng vì vẫn còn lo ngại về lãi suất, siết tín dụng - nhưng cũng có ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 37%, lọt top danh mục quỹ là MBB.

Với bất động sản, có thể có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tốt, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định ở ngành, nên nhà đầu tư cần chú ý chọn lọc cổ phiếu thay vì chỉ chú trọng đến ngành.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục