Chuyên gia Vinacapital: Định giá thị trường chiết khấu 25% so với bình quân các nước ASEAN là một điểm sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong buổi hội thảo trực tuyến về triển vọng thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm do Vincapital tổ chức, chuyên gia của công ty quản lý quỹ chia sẻ nhìn từ yếu tố định giá và nội tại của nền kinh tế đều đang hấp dẫn.
Chuyên gia Vinacapital: Định giá thị trường chiết khấu 25% so với bình quân các nước ASEAN là một điểm sáng

Ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc Đầu tư Khối quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu, Vinacapital chia sẻ, điểm sáng cho thị trường nửa cuối năm có thể đến từ việc Chính phủ giúp gỡ nút thắt cho một loạt các ngành trọng điểm.

Ở ngành ngân hàng thì có nút thắt tăng trưởng tín dụng. Ở ngành bất động sản thì có nút thắt Nghị định 153 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Ở ngành dầu khí “có nút thắt” triển khai Lô B Ô Môn. Chưa kể còn nhiều nút thắt về giải ngân đầu tư công ở các dự án hạ tầng nói chung.

Ngoài ra, ngay cả khi Mỹ và EU rơi vào suy thoái và triển vọng xuất khẩu không đạt được như kỳ vọng, thì ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói chung cũng không quá lớn, do tiêu dùng nội địa vẫn đóng góp nhiều nhất cho giá trị gia tăng trong nền kinh tế và cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Trong các yếu tố trên, yếu tố tăng trưởng tín dụng là yếu tố nhà đầu tư quan tâm nhất. Nhiều ngân hàng đã chạm room tín dụng nhưng vẫn chưa được cấp thêm. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá lo lắng, bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lý do chính đáng để kiểm soát tín dụng, qua đó kiểm soát lạm phát và kiểm soát dòng tiền nóng chảy vào các kênh đầu cơ không lành mạnh.

Theo ông Trung, thế mạnh của Việt Nam trong việc kiểm soát tỷ giá - lạm phát - lãi suất là khả năng điều hành linh hoạt và chủ động. Trong quá khứ, NHNN đã từng kiểm soát tỷ giá thành công bằng những biện pháp như bắt buộc các hợp đồng giao dịch dân sự phải tham chiếu tiền VND (để tránh đô la hóa nền kinh tế), hoặc thay đổi cơ chế tỷ giá từ chính sách neo tỷ giá cố định (dollar peg) sang chính sách tỷ giá trung tâm (crawling peg/managed float) nhằm tạo điều kiện cho NHNN điều chỉnh linh hoạt và tránh hiện tượng đầu cơ/đồn đoán về những đợt điều chỉnh tỷ giá ở những thời điểm nhạy cảm. Từng kiểm soát lãi suất bằng các biện pháp như áp trần lãi suất huy động, và kiểm soát lạm phát bằng cách xây dựng chuỗi cửa hàng bình ổn giá do Nhà nước quản lý.

Lần này, việc thắt chặt tiền tệ có thể là một liều thuốc thử mạnh cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng nếu chúng ta tiếp tục thành công trong việc hài hòa các mục tiêu lạm phát/tỷ giá, thì thị trường nên đón nhận điều đó một cách tích cực, vì khi đó, tăng trưởng tín dụng sẽ được cởi trói, đi kèm với đó là tăng trưởng kinh tế, và từ đó có thể đón dòng vốn ngoại mạnh mẽ hơn các thị trường khu vực (do thị trường Việt Nam có định giá, tiềm năng tăng trưởng và có nền thanh khoản vượt trội).

Thực tế, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng hơn 270 triệu USD trong quý II/2022 và dòng tiền tới từ các thị trường vốn đã là những nhà đầu tư quen thuộc với thị trường Việt Nam như Thailand hay Đài Bắc (Trung Hoa) thường là dòng tiền dài hạn, và chắc chắn họ phải thấy định giá này là hấp dẫn cho dài hạn.

Theo ông Trung, VN-Index sau khi đã giảm khoảng 20% từ đỉnh thì đang giao dịch ở mức P/E dự phóng khoảng 11x.

"Có thể chúng ta chưa biết đáy ở đâu, có thể nhiều cổ phiếu đang bị định giá rẻ là những cổ phiếu mang tính chu kỳ, có thể lãi suất tăng làm ảnh hưởng tiêu cực tới định giá cổ phiếu, nhưng ngay cả khi xét đến các yếu tố này, thì mức định giá như hiện tại (chiết khấu hiện tại khoảng 25% so với bình quân các nước ASEAN) thực ra không xảy ra nhiều. Định giá cũng là một điểm sáng", ông Trung đánh giá.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, Người điều hành quỹ VASEp, Vinacapital, cả 2 yếu tố định giá và nội tại của kinh tế Việt Nam đều đang hấp dẫn, biến số chủ yếu là rủi ro toàn cầu, khó dự báo. Các tháng còn lại của 2022 sẽ khá là thử thách cho TTCK, nhưng với định giá hấp dẫn, bất cứ thông tin tích cực nào cũng có thể hỗ trợ thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Theo chuyên gia của Vinacapital, trong nửa sau của năm 2022, thị trường sẽ vẫn theo dõi áp lực tỷ giá/lạm phát/lãi suất lên lợi nhuận doanh nghiệp 6 tháng cuối năm, nhưng cũng sẽ bắt đầu theo dõi triển vọng lợi nhuận của năm 2023 nhiều hơn. Triển vọng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 sẽ phụ thuộc rất lớn vào biên lợi nhuận của họ, trong bối cảnh giá đầu vào có xu hướng tăng lên (từ lạm phát giá hàng hóa cơ bản đầu vào, đến áp lực chi phí tài chính). Triển vọng lợi nhuận của năm 2023 sẽ phụ thuộc lớn vào tăng trưởng doanh thu, trong bối cảnh đà tăng lãi suất trong năm 2022 có khả năng gây ra suy thoái trong năm 2023 cho Mỹ và EU (vốn là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam).

Ảnh hưởng từ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại có thể tạo nên các ảnh hưởng lan truyền tới các ngành khác trong nền kinh tế (ví dụ khi các đơn hàng xuất khẩu bị giảm, doanh nghiệp sẽ hạn chế tăng thu nhập cho công nhân, qua đó sức mua của tầng lớp lao động phổ thông có thể bị ảnh hưởng).

Chia sẻ về tác động của tăng lãi suất ông Trung nhận xét, có làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nhưng Việt Nam không có nhiều sức ép thắt chặt tiền tệ vì lãi suất thực vẫn ở mực tương đối cao. Như Mỹ lạm phát cao thì họ có sức ép tăng lãi suất hơn.

“Chúng tôi tính đến kịch bản tăng lãi suất không chỉ lãi suất cho vay mà cả lãi suất điều hành”, ông Trung cho biết.

Tương tự, bà Phương cho rằng, nếu lãi suất thực chỉ tăng điểm 1%, cũng không tác động quá lớn đến nền kinh tế, ngay cả với bất động sản cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng nhìn chung, nhìn triển vọng nửa cuối năm, khi thời kỳ tiền rẻ đã đi qua thì không kỳ vọng mức tăng trưởng rất cao của VN-Index hay các cổ phiếu nhỏ như 2021.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục