Chuyên gia kinh tế trưởng ADB: Việt Nam nên trông vào nội lực của mình là chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là những gì ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định khi được hỏi về tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ngày 8/8/2023, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức đã diễn ra tại Khách sạn Pullman, Hà Nội với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”.

Tại phiên 1 với chủ đề “Giải mã biến số”, các diễn giả, chuyên gia kinh tế như ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng; ông Dominic Scriven, OBE, Chủ tịch Công ty Dragon Capital; ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM; ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có những trao đổi sôi nổi xung quanh các vấn đề vĩ mô.

Các diễn giả thảo luận trong phiên 1 của Diễn đàn.

Các diễn giả thảo luận trong phiên 1 của Diễn đàn.

Khi được người điều phối phiên 1 là ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) đặt câu hỏi về việc các biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết: Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế Mỹ có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất và nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn dự báo khi chưa có dấu hiệu suy thoái.

Trong khi đó, các nền kinh tế ở châu Âu vẫn cần duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát và nhiều nền kinh tế tại khu vực này bắt đầu rơi vào suy thoái. Mặc khác, kinh tế Trung Quốc lại không phục hồi được như kỳ vọng sau khi mở cửa. Thêm nữa, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở mảng chất bán dẫn và chip công nghệ cao đang nóng lên. Trung Quốc bắt đầu có những động thái phản ứng liên quan đến mảng nguyên liệu cho ngành bán dẫn, điều này sẽ tạo nên những tác động tương đối lên chuỗi giá trị.

Tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, trong thời gian gần đây cũng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị của ngành điện tử, nên điều này sẽ có những tác động tương đối đáng kể đối với Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm vừa qua là ngành điện tử, thiết bị điện tử gặp những thách thức khá lớn. Lý do bởi các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu đang đối mặt với lạm phát cao, nguy cơ suy thoái, làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, sau thời kỳ Covid và xung đột thương mại với Trung Quốc, các nước này đã có ý muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất về thiết bị điện tử.

Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn riêng, nên Việt Nam phải trông vào sức mình là chính.

"Các nước bây giờ phần lớn đều có trợ cấp để các tập đoàn công nghệ đầu tư các cơ sở sản xuất chip tại nước mình, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Tựu chung lại, Việt Nam nên trông vào nội lực của mình là chính", ông Hùng kết luận.

Theo ông Hùng, có 2 "dòng xoáy" rất lớn hiện nay và có tác động khác nhau đối với kinh tế Việt Nam là chính sách tiền tệ của Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc.

"Mỹ là nhà xuất khẩu chủ lực của nước ta, còn về tương lai, nếu muốn tăng cường năng lực thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cấp công nghệ thì Mỹ cũng có thể là đối tác cần tập trung chiến lược. Mặt khác, Trung Quốc là đối tác lớn và truyền thống của Việt Nam, nên rất khó để nói bên nào hơn bên nào. Khi Trung Quốc thực hiện các chính sách về mở rộng quy mô nền kinh tế thì họ sẽ tăng trưởng tốt và Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi theo", ông Hùng nhận định.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục