Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn: Yếu tố cung cầu sẽ quyết định dòng chảy của vốn

(ĐTCK) Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhiều so với trước và đồng vốn ngân hàng đưa ra thị trường cũng ngày một nhiều hơn, song cầu về vốn của doanh nhiệp vẫn khó tăng trước tình hình sức mua và tồn kho chưa được cải thiện nhiều. Nợ xấu vẫn là mối lo trong tăng trưởng tín dụng. Vì thế, yếu tố lãi suất chưa hẳn đã quyết định được đầu ra của đồng vốn, mà quan trọng hơn phải là thị trường, sức cầu.
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn: Yếu tố cung cầu sẽ quyết định dòng chảy của vốn

Xin cho biết đánh của ông về sức hấp thu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm 2014 này?

Sức hấp thu vốn của nền kinh tế hiện nay còn yếu. Thực tế, các NHTM đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi, không chỉ lĩnh vực bất động sản có gói kích cầu, mà ngay cả các lĩnh vực khác cũng được ưu đãi lãi suất khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dôi dư. Nhưng đó chỉ là dấu hiệu tích cực từ phía đơn vị cung vốn ra thị trường. Cầu về vốn mới quyết định đồng vốn có ra được thị trường hay không.

Hiện tại, thị trường vẫn tồn tại thực trạng các doanh nghiệp cần vốn thì không đủ điều kiện để vay. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường thì không có nhu cầu sử dụng vốn vay ngân hàng. Thực ra, tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay cũng xuất phát từ nguyên nhân vài năm trước đây, đồng vốn được đưa ra thị trường khá dễ dãi nên nhiều doanh nghiệp đã sử dụng vốn vay vào những mục đích mà không thuộc lĩnh sản xuất - kinh doanh cốt lõi và có ưu thế. Do đó, tình trạng nhiều doanh nghiệp “chết” là do đầu tư, kinh doanh ngoài ngành, chứ không phải trong phạm vi hoạt động chính của họ, kéo theo khó khăn cho nền kinh tế như hiện nay.

Bây giờ, đồng vốn vay có được đưa ra thị trường và tín dụng dễ khơi thông hay không là một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi thực tế, muốn khơi thông được dòng chảy tín dụng trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn không dễ, do sức mua yếu, cầu vốn doanh nghiệp sụt giảm. Nhưng nếu nhu cầu vốn tăng như 3 - 4 năm trước đây khi thị trường phát triển thì lực lượng thanh khoản hiện tại của hệ thống ngân hàng chưa hẳn đã bằng 5 năm trở về trước. Một thực tế cho thấy, tỷ lệ nợ khó đòi của hệ thống ngân hàng đã tăng.

Theo các định chế tài chính quốc tế và một số chuyên gia, nền kinh tế hiện nay còn có những yếu tố thuận lợi bên ngoài, ở các thị trường mà Việt Nam có quan hệ sâu rộng như Mỹ, châu Âu - đang có dấu hiệu hồi phục, nên sẽ có sức kéo nhất định. Thứ hai là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay các nước Đông Nam Á cũng có sự gia tăng nhất định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa đang gặp khó khăn, ngành ngân hàng cũng đang trải qua một cuộc đại phẫu để có thể ổn định và tăng trưởng. Vì thế, rất khó để tiên đoán rằng, kinh tế năm 2014 đã hết khó khăn hay chưa và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khi nào sẽ được cải thiện.

Tín dụng khó tăng là do rào cản nợ xấu và sức khỏe của doanh nghiệp chưa được cải thiện

Tín dụng khó tăng do rào cản nợ xấu hay sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện?

Do cả hai nguyên nhân này. Vì nợ xấu của ngân hàng cũng chính là nợ vay của doanh nghiệp xấu và khi nợ xấu tăng thì không chỉ ngân hàng, mà chính doanh nghiệp sẽ đối mặt khó khăn nhiều hơn. Nợ cũ không thể trả nên doanh nghiệp không thể vay vốn mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn thì khu vực kinh tế tư nhân là nơi họ có khả năng “chồi đạp”, vươn lên. Do đó, họ rất cần đến các chính sách vĩ mô của Nhà nước, tạo sự hỗ trợ cụ thể. Ngoài giảm lãi suất, có thể miễn giảm thêm thuế và giảm bớt thủ tục hành chính, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận chính sách kinh tế vĩ mô. Nếu tạo được niềm lạc quan cho khu vực kinh tế tư nhân về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai, chính sách nhà nước hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thì đây sẽ là yếu tố tâm lý quan trọng giúp doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn ra để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Từ đó, nền kinh tế mới có thể thoát khỏi trì trệ và tăng trưởng trở lại.

Số lượng ngân hàng nhiều hay ít không quan trọng, mà quan trọng hơn vẫn là chất lượng

Lãi suất giảm, nhưng có vẻ như không còn là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp trong lúc này, thưa ông?

Trên thực tế, lãi suất chỉ là một vế và chỉ thể hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ. Điều đó được thể hiện rõ trước tình hình thị trường hiện nay, sức mua yếu, tồn kho tăng, nên cần phải giảm lãi suất để kích thích tín dụng, kích cầu thị trường. Nhưng để khơi thông được dòng vốn tín dụng cho thị trường, đòi hỏi có thêm nhiều cách làm khác. Bởi tồn kho và sức mua hiện chưa được cải thiện nhiều, kéo theo nợ xấu của doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng không dám mở hầu bao cho doanh nghiệp có rủi ro vay vốn. Còn với các doanh nghiệp tốt, có dự án khả thi trong lúc này lại chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay. Vì thế, dù lãi suất cho vay được các ngân hàng ưu đãi, thậm chí giảm mạnh cũng khó khơi thông được dòng chảy tín dụng.

Nói vậy, niềm tin của doanh nghiệp đối với thị trường đến thời điểm này chưa có dấu hiệu hồi phục? 

Thực ra, đến thời điểm này, tình hình chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Ở các doanh nghiệp, lượng hàng tồn kho vẫn lớn, trong khi sức tiêu thụ của thị trường còn yếu. Điều đó được phản ánh qua chỉ số CPI của quý I/2014 thấp kỷ lục từ trước đến nay. Do các doanh nghiệp không thể tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh nên nhu cầu vốn vay của ngân hàng cũng giảm mạnh. Sở dĩ họ chưa tái mở rộng đầu tư, kinh doanh là do niềm tin về sự hồi phục trong thời gian tới chưa cao, khi sức mua của thị trường chưa được cải thiện.

Theo ông, các chính sách kích cầu, trong đó có kích cầu bất động sản đến nay đã phát huy tác dụng hay chưa?

Thời gian qua đã có không ít chương trình kích cầu tín dụng nhằm khơi thông tín dụng. Trong đó, có chương trình kích cầu tín dụng bất động sản đã được đưa ra 1 năm qua, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được nhiều nên không thể nói đến tính lan tỏa và tác động tích cực cho thị trường. Bởi lẽ, có những vướng mắc về chính sách và đối tượng được tiếp cận còn hạn chế. Chẳng hạn, với gói vốn 30.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất 5%/năm cho người thu nhập thấp mua nhà, giới hạn về đối tượng tiếp cận vốn.

Mặt khác, chủ trương đưa ra các gói kích cầu, trong đó có kích cầu bất động sản cũng chỉ tác động ở một phân khúc nhất định, chứ không thể kỳ vọng làm tan băng và hồi phục toàn thị trường. Vì thế, đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn và chịu tác động ở nhiều yếu tố khác như tình hình kinh tế chung, sức khỏe của doanh nghiệp và khả năng tiêu thụ của thị trường. Trong khi đó, tình hình của nền kinh tế còn có những khó khăn nhất định, cho dù có một số yếu tố thuận lợi từ bên ngoài.

Cũng cần phải hiểu rằng, các chương trình kích cầu chỉ cứu được “ngọn”, chứ không thể chữa được “gốc” của vấn đề. Bởi mục tiêu của các gói kích cầu tín dụng bất động sản là giải cứu thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu của ngân hàng nhanh hơn. Nhưng để giải cứu được thị trường này hoàn toàn không dễ dàng trong ngắn hạn. Vì thế, theo tôi, điều quan trọng trước hết là phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng, đưa hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh. Các ngân hàng phải biết quý trọng đồng tiền của người dân, phải biết đưa tiền gửi của người dân vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, kể cả đầu tư một cách an toàn, chính đáng.

Theo ông, sau 2 năm NHNN đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng, đã có đổi mới và thành công bước đầu?

Nếu nói đã có những thành công bước đầu thì cũng chưa thể khẳng định được điều đó, mà cần để thời gian trả lời. Thực tế cho thấy, việc sáp nhập ngân hàng chưa thể nói lên được điều gì, ngoài việc “mua” thời gian. Đáng chú ý, trước làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang được “thổi phồng” như hiện nay, một số ngân hàng lớn có ý định dang tay “cứu” ngân hàng nhỏ, yếu kém thông qua M&A. Liệu ngân hàng lớn có cần sáp nhập thêm một số tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém? Khi sáp nhập, hoạt động của các ngân hàng lớn khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng xấu, thậm chí là hoạt động bết bát theo do phải “ôm” cục nợ xấu của ngân hàng nhỏ.

M&A của ngân hàng hiện nay có thể ví như một vài con thuyền nhỏ đang đi trên biển nhưng bị thủng đáy được kết nối lại với nhau để trở thành con thuyền lớn, hoặc các con thuyền nhỏ sẽ nhờ thuyền lớn hỗ trợ. Nhưng rất có thể con thuyền lớn sẽ bị thủng đáy. Nếu như con thuyền lớn không phải gánh thêm các con thuyền nhỏ bị thủng đáy thì khả năng vào bờ, đi tới bến đỗ sẽ tốt hơn. Vì thế, để đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, thay vì chỉ có sáp nhập, hợp nhất.

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận, M&A là một giải pháp để “mua” thời gian, trong khoảng thời gian đó, chúng ta cần phải có hàng động và quan trọng là về mặt cấu trúc và tổ chức, các ngân hàng phải hiểu rõ rằng, nguồn vốn hoạt động chính là nguồn vốn từ trong dân, chứ không phải nguồn vốn huy động từ các cổ đông.

Bởi lẽ, nguồn vốn huy động trong dân của các ngân hàng cao gấp 8 - 10 lần so với vốn góp của các cổ đông. Do đó, nếu trao quyền quyết định cho Chủ tịch HĐQT quá lớn để họ có thể “thao túng” thì cần phải loại bỏ yếu tố này. Trên thực tế của hoạt động ngân hàng Việt Nam hiện nay, Chủ tịch HĐQT được coi trọng hơn nhiều so với Tổng giám đốc điều hành. Chủ tịch có thể chỉ đạo Tổng giám đốc điều hành và đó cũng là lý do dẫn đến sai sót trong hoạt động. Chính vì thế, cần có một sự thay đổi căn bản trong hệ thống ngân hàng, tôn trọng nguyên tắc của ngân hàng và tôn trọng quy tắc đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực này, từ đó mới có thể lành mạnh được hệ thống, chứ không chỉ sáp nhập, hợp nhất là đã được tái cấu trúc.

Như vậy, có nên giảm số lượng ngân hàng xuống mức thấp nhất trong tái cơ cấu hay không, thưa ông?

Thực ra, chuyện hợp tan của các ngân hàng hiện nay cũng là lẽ thường tình và với hệ thống ngân hàng, giảm hay tăng số lượng cũng không có gì ghê gớm, có thể nay ít mai nhiều, đó cũng là quy luật của cuộc sống. Quan trọng là phải xây dựng được một hệ thống ngân hàng có nền móng vững chắc, có đạo đức, tôn trọng những nguyên tắc kinh doanh của ngân hàng và phát triển bền vững. Có nghĩa, phải có những ngân hàng lớn mạnh thực sự, chứ không chỉ thổi phồng con số hoặc góp vốn thành lập ngân hàng bằng vốn “ảo”, vốn huy động từ dân để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng hoặc chứng khoán, bất động sản như trước đây để kiếm lợi nhuận một cách bất chính. Trong khi đó, hoạt động của ngân hàng yếu kém, kéo theo nợ xấu tăng và gây hậu quả cho toàn hệ thống. Vì thế, theo quan điểm của tôi, số lượng ngân hàng nhiều hay ít không quan trọng, mà quan trọng hơn vẫn là chất lượng.

Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng hiện vẫn cao và thống kê về nợ xấu chỉ có người cung cấp thông tin mới rõ nhất. Các ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu bằng cách hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro và NHNN tổ chức việc mua lại nợ xấu là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai và thực hiện mua nợ xấu của VAMC hiện nay cho thấy, chưa đủ lực để thực hiện. Với cách làm hiện tại, việc xử lý nợ xấu chưa được công khai, có thể do lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý khi con số thực về nợ xấu được công bố. Song cũng phải nhìn nhận, các thông tin liên quan đến ngành ngân hàng vẫn có phần nhạy cảm.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Vinh Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục