Chuyên gia Hoàng Thạch Lân: Những điểm cổ đông đừng bỏ qua khi chất vấn HĐQT

(ĐTCK) ĐTCK đã có trao đổi với chuyên gia Hoàng Thạch Lân về những “điểm nóng” cổ đông cần trao đổi với lãnh đạo DN tại ĐHCĐ. 
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Nhiều cổ đông e ngại và thụ động khi đặt câu hỏi với lãnh đạo DN tại ĐHCĐ. Theo ông, đâu là những điểm cổ đông cần lưu ý để đừng bỏ qua khi chất vấn HĐQT?

Năm nay, sẽ có nhiều biến động ở các DN. Bên cạnh những câu chuyện thuờng niên như kế hoạch sản xuất kinh doanh, cổ tức, có những vấn đề mới đáng quan tâm như phản ứng với tình hình thị trường, cạnh tranh, hội nhập, tái cấu trúc công ty, M&A, thay đổi lãnh đạo, nới room...

Đối với một số công ty, những vấn đề này mang tính sống còn với tương lai DN, do đó, có rất nhiều câu hỏi dành cho cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ.

Tùy vào đặc điểm hoạt động và cấu trúc tài chính của từng công ty sẽ có những câu hỏi riêng, nhưng nhìn chung, cổ đông nên quan tâm đến các vấn đề sau: quan điểm về thị trường, về cạnh tranh, nếu kế hoạch kinh doanh suy giảm so với kết quả năm trước thì nên hỏi rõ lý do, nới room, nợ xấu và sáp nhập (đối với ngành ngân hàng), kế hoạch phát hành và phương án đầu tư khả thi, phương án xử lý nợ xấu (với những công ty gặp khó khăn)... 

Một mâu thuẫn thường xảy ra tại nhiều ĐHCĐ là cổ đông mong muốn DN lợi nhuận cao, chia cổ tức nhiều, trong khi lãnh đạo DN “ngại” áp lực và thường đưa ra kế hoạch rất dè dặt. Làm thế nào để dung hòa được mâu thuẫn này?

Theo tôi, điều mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông là giá trị của công ty, thể hiện ở 2 yếu tố: tăng trưởng bền vững và giá trị thị trường của DN, trong đó tăng trưởng bền vững là yếu tố dẫn dắt. Lợi nhuận và cổ tức về dài hạn là mục đích mà mọi công ty đều hướng tới, nhưng trong những giai đoạn nhất định lại không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Trong các kỳ họp ĐHCĐ, có 2 chuyện nhìn qua khá khôi hài. Thứ nhất là công ty đang gặp khó khăn thì lãnh đạo lại đề ra kế hoạch tăng trưởng rất cao, còn công ty đang làm ăn có lãi thì lãnh đạo lại đưa ra kế hoạch thấp hơn so với kết quả năm trước.

Trường hợp này phổ biến nhất ở nhóm dầu khí, dù cấu trúc tài chính tốt, nhiều dự án lớn và tiềm năng..., nhưng lãnh đạo đều đưa ra kế hoạch thấp, bởi nguyên nhân chính là họ dự phóng giá dầu chưa hồi phục ngay. Đây là điều các cổ đông có thể thấy và cần thông cảm.

Chuyện thứ hai là nhiều công ty làm ăn có lãi nhưng không chịu trả cổ tức. Theo tôi, chuyện này cần nhìn vào 2 yếu tố: tăng trưởng và dòng tiền. Nếu công ty đang ở trong giai đoạn tăng trưởng cao, hoặc có lãi nhưng dòng tiền chủ yếu là dòng ra (nhất là dòng tiền kinh doanh), có thể chấp nhận không trả cổ tức. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo công ty không giải thích được lý do thì cổ đông có quyền (và nên) chất vấn. 

Câu chuyện phát hành thêm để huy động vốn cũng tạo ra nhiều tranh luận tại ĐHCĐ. Thực tế, huy động vốn là một chuyện, hiệu quả sử dụng đồng vốn mới là điều quan trọng nhưng không phải DN nào cũng giải trình được vấn đề này. Quyền được tìm hiểu của cổ đông ở đây là gì, theo ông?

Trong các quy định về phát hành đại chúng, công ty niêm yết phải có phương án khả thi về việc sử dụng vốn. Thực tế, các công ty đều có phương án sử dụng vốn, nhưng không tiết lộ các con số chi tiết.

Theo tôi, cổ đông và cơ quan quản lý nhà nước nên buộc lãnh đạo công ty phải trình phương án khả thi trước khi họp ĐHCĐ để cùng nhau xem xét, sau khi phát hành và sử dụng vốn thì cùng nhau giám sát.

Hải Vân thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục