Chuyên gia hiến kế gì cho thị trường chứng khoán 2014?

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) dự kiến tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển TTCK năm 2014 trong tháng 2 này để ghi nhận ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường. Trước thềm Hội nghị, ĐTCK ghi nhận ý kiến của một số thành viên thị trường. 
Chuyên gia hiến kế gì cho thị trường chứng khoán 2014?

 “Cần xem xét phương án dừng truy thu thuế đối với các DN niêm yết”

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Từ bối cảnh thị trường hiện tại, VASB cho rằng, cần ưu tiên triển khai 5 giải pháp, để thúc đẩy TTCK phát triển sôi động, hiệu quả hơn trong năm 2014 và giai đoạn tới.

Thứ nhất, khẩn trương hợp nhất 2 Sở GDCK để hình thành Sở GDCK Việt Nam như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này không chỉ giúp TTCK phát triển gần hơn theo thông lệ quốc tế, mà còn hỗ trợ các DN niêm yết, CTCK… tiết kiệm chi phí, tham gia thị trường thuận lợi hơn.

Thứ hai, hệ thống công nghệ, quy trình nghiệp vụ giao dịch về cổ phiếu, trái phiếu cần được chuẩn hóa theo hướng ổn định, thống nhất trên toàn thị trường, giúp các thành viên thị trường, nhất là các CTCK có hướng đầu tư chiều sâu cho hiện đại hóa hệ thống công nghệ giao dịch, quản trị công ty và quản lý rủi ro.

Thứ ba, Chính phủ đang quyết tâm “làm nóng” cổ phần hóa trở lại. Đây là cơ hội thuận lợi để hỗ trợ cho TTCK phát triển sôi động hơn. Tuy nhiên, để chủ động đón bắt cơ hội này, Bộ Tài chính, UBCK cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cho phép một số DN hoạt động trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, có tiềm năng phát triển, nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, được chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dưới mệnh giá, vừa đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, vừa mở ra cơ hội đầu tư mới cho NĐT.

Thứ tư, để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc CTCK diễn ra nhanh hơn theo hướng giảm số lượng, nâng cao chất lượng, UBCK cần nghiên cứu, triển khai thêm các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ quá trình giải thể, mua bán, sáp nhập CTCK.

Thứ năm, tránh thu thêm các loại thuế trong lĩnh vực chứng khoán. Thậm chí, để khuyến khích NĐT tham gia TTCK nhiều hơn, Bộ Tài chính cần rà soát những khoản thuế trong lĩnh vực chứng khoán hiện có đóng góp không đáng kể vào thu ngân sách, thực hiện chính sách miễn hoàn toàn cho NĐT và DN. Điều này không ảnh hưởng đáng kể gì đến thu ngân sách, nhưng lại hỗ trợ tích cực cho tâm lý của thị trường.

Liên quan đến chính sách miễn, giảm thuế cho DN cổ phần hóa, niêm yết lần đầu trên TTCK, trong năm 2013, cơ quan thuế đã truy thu thuế thu nhập DN đối với nhiều DN niêm yết. Việc truy thu này là do cơ quan quản lý thay đổi chính sách, chứ không phải lỗi của DN. Bởi vậy, để tránh tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường, cũng như tránh gây sức ép lên các DN, cơ quan thuế cần xem xét phương án dừng truy thu thuế đối với các DN niêm yết.

“Chứng khoán cần được bổ sung vào nhóm ngành nhận được ưu đãi về thuế”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI)

TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận sau 13 năm hoạt động, nhưng thực tế cho thấy vai trò, vị trí của TTCK chưa được định vị đúng tầm là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN và nền kinh tế như thông lệ quốc tế.

Mỗi khi đề xuất các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế cho lĩnh vực chứng khoán, nhiều bộ, ngành đều nhìn nhận chứng khoán là nơi người giàu tham gia, nên cần đánh thuế thật cao.

Đây là kiểu tư duy “thấy cây mà không thấy rừng”, bởi chỉ nhìn nhận ở bề nổi các hoạt động của thị trường, mà không nhìn gốc rễ của vấn đề: ưu đãi thuế là công cụ quan trọng để thu hút các luồng vốn chảy vào kênh chứng khoán, từ đó phân bổ vốn tốt hơn cho các DN, lĩnh vực hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế, từ đó tạo thêm công ăn việc làm, mang lại nguồn thu bền vững cho ngân sách, khắc phục được nhiều hạn chế do DN và nền kinh tế quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng như hiện nay.

Với cách tiếp cận như vậy, dự kiến trong năm nay, VAFI sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mang tính vĩ mô tới Chính phủ, các bộ, ngành, để định vị đúng tầm vai trò của TTCK.

Trước mắt, ngay trong tháng 2 này, VAFI sẽ gửi kiến nghị tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ trưởng Bộ Tài chính các giải pháp nhằm đưa mặt bằng lãi suất huy động giảm khoảng 3 - 4% trong năm nay, để giảm tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay, thay vì giảm khoảng 1 - 2% như Thống đốc NHNN kỳ vọng.

Điểm mới trong các giải pháp mà VAFI sẽ đề xuất là nhiệm vụ giảm lãi suất không chỉ dồn lên trách nhiệm của các giải pháp tiền tệ, mà có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa. Điều này sẽ nắn dòng vốn chảy vào TTCK nhiều hơn, qua đó không chỉ các DN, mà cả hệ thống ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tốt hơn qua TTCK.

Về dài hạn, để thúc đẩy TTCK phát triển, đạt đúng tầm là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, chứng khoán cần được bổ sung vào nhóm ngành nhận được ưu đãi về thuế, phí, đào tạo nguồn nhân lực… như các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Thực thi điều này sẽ tạo cú hích cho sự tăng tốc của TTCK trong giai đoạn tới.

“Cần có các sản phẩm, chính sách hỗ trợ DN”

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Câu lạc bộ DN niêm yết

Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ cao hơn so với năm 2013. Vĩ mô ổn định là động lực cho TTCK phát triển bền vững.

Cùng với việc thực hiện quyết liệt tái cấu trúc TTCK, tôi kỳ vọng, thị trường sẽ có những bước khởi sắc hơn.

Thực tế, Chính phủ, Bộ Tài chính đang có những bước chuẩn bị hỗ trợ cho TTCK như tính việc nới “room”, thúc đẩy cổ phần hóa các tổng công ty lớn, khuyến khích các DN lên niêm yết…

Hy vọng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có các sản phẩm, chính sách hỗ trợ DN.

Đơn cử, việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, hiện nay rất nhiều DN gặp vướng mắc.

Chính vì vậy, cần có một cơ chế riêng cho phép các DN được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá nếu DN có nguồn vốn bù đắp, tạo điều kiện cho các DN có nhu cầu huy động vốn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ DN niêm yết.

Đối với công tác tạo hàng, dù đã có văn bản yêu cầu các DN phải lên sàn sau một năm thực hiện cổ phần hóa, nhưng việc thực hiện vẫn chưa quyết liệt.

Về các biện pháp hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường như rút ngắn thời gian giao dịch, mặc dù đã đề cập nhiều, nhưng vì một số trở ngại chưa thực hiện được, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu để tìm cách khắc phục, bởi đây là nhu cầu của đa số NĐT.

“Cần có chính sách thu hút NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài”

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS)

Với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước, tôi kỳ vọng, TTCK trong năm 2014 sẽ tiếp tục có diễn biến khả quan, dự báo chỉ số chứng khoán tăng khoảng 15%. Ngành dầu khí và công nghệ sẽ có triển vọng tốt.

Ngoài ra, một số DN xuất nhập khẩu, may mặc, nông nghiệp... sẽ có cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù vậy, để chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn hơn đối với NĐT, cần có các giải pháp để tăng tốc độ quay vòng vốn.

Đối với NĐT nước ngoài, hiện nay vẫn chưa có công cụ để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá. Nếu có những công cụ này, NĐT nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi tham gia TTCK Việt Nam và thu hút được nhiều NĐT ngoại hơn.

Ngoài ra, chính sách cho giao dịch các sản phẩm phái sinh trên TTCK cũng cần được sớm ban hành.

Trước đây, nhiều CTCK thử nghiệm đưa ra một số nghiệp vụ mới như giao dịch quyền chọn, hợp đồng tương lai, cho vay chứng khoán…, nhưng không được cơ quan quản lý cho phép.

Theo tôi, cần sớm có lộ trình để từng bước phát triển thị trường phái sinh, đa dạng hóa sản phẩm của thị trường.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các DN đại chúng, các DNNN cổ phần hóa lên niêm yết nhằm bổ sung hàng hóa cho thị trường.

Cùng với việc nới “room” cho NĐT ngoại, các giải pháp trên sẽ giúp cải thiện đáng kể thanh khoản của thị trường và thu hút nguồn vốn mới.

Hữu Hòe - Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục