Chuyên gia: Chưa phải lúc thắt chặt chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Đang xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh việc NHNN nên thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, hay tiếp tục bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.
Với sự nhập cuộc của nhiều ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, một đợt tăng lãi suất nữa lại được các ngân hàng áp dụng nhằm hút tiền vào hệ thống nhà băng. Ảnh: Đức Thanh Với sự nhập cuộc của nhiều ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, một đợt tăng lãi suất nữa lại được các ngân hàng áp dụng nhằm hút tiền vào hệ thống nhà băng. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất thiết lập mặt bằng mới

Một đợt tăng lãi suất nữa lại được các ngân hàng thương mại áp dụng từ đầu tháng 6 và 7/2022. Khác với các đợt tăng lãi suất trước, lần này các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (BIDV, Agribank) đã chính thức nhập cuộc. Cùng với lãi suất trên thị trường dân cư, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng nhích lên từng ngày. Trước áp lực gia tăng lạm phát và lãi suất trên thị trường dân cư, các chuyên gia phân tích Ngân hàng HSBC cho rằng, NHNN có thể sẽ phải tăng lãi suất điều hành thêm 0,5% vào cuối năm nay.

Cùng với mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng, NHNN cũng tăng động thái hút tiền về. Tính từ ngày 21/6 đến đầu tuần này, NHNN đã hút về trên 200.000 tỷ đồng. Nếu cộng với kênh bán ngoại tệ ra thị trường, ước tính, từ đầu năm đến nay, NHNN đã hút về nửa triệu tỷ đồng qua kênh bán ngoại tệ và tín phiếu.

Một số ý kiến cho rằng, những động thái này cho thấy, NHNN đang rất thận trọng với lạm phát và có biểu hiện thu hẹp dần chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng đáng kể thời gian qua, song mức tăng vẫn đang trong dư địa cho phép. Đặc biệt, “tứ trụ” ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì được mặt bằng lãi suất thấp từ năm ngoái đến nay.

“Trong bối cảnh này, theo tôi, NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành hoặc chỉ tăng nhẹ. Chính sách tiền tệ hiện nay vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng”, ông Khánh nhận định.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, áp lực lạm phát với nền kinh tế Việt Nam chưa phải quá lớn, nên lãi suất điều hành của NHNN sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng, chính sách tiền tệ chưa cần thắt chặt.

Thực tế, dù mặt bằng lãi suất đang tăng lên, song nếu so với thời điểm trước dịch, lãi suất liên ngân hàng (nhất là lãi suất cho vay qua đêm) và lãi suất trên thị trường dân cư vẫn đang ở mức thấp kỷ lục, dù NHNN hút mạnh tiền về, cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào.

Chưa phải lúc thắt chặt tiền tệ

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, động thái hút tiền về của NHNN thời gian qua là nhằm giảm áp lực lên tiền đồng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chứ không phải là động thái thắt chặt tiền tệ.

“NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng là chính. Nửa cuối năm nay, nếu lạm phát đi lên, NHNN có thể thực hiện kiềm chế lạm phát thông qua việc ổn định tỷ giá ngoại tệ mà không nhất thiết phải tăng lãi suất điều hành. Chính sách tiền tệ đang đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ kinh tế, các doanh nghiệp phục hồi thông qua dòng vốn tín dụng. Các doanh nghiệp hiện vẫn mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nên việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước có thể giúp mặt bằng lãi suất giảm, doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn giá rẻ”, ông Độ nói.

Mặc dù nguy cơ nhập khẩu lạm phát 6 tháng cuối năm là có, thậm chí lạm phát năm nay có thể vượt 4%. Tuy nhiên, ngay cả khi lạm phát vượt con số này, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn nên “vui vẻ” chấp nhận, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi. Bởi nếu quá lo lắng, thận trọng mà bóp nghẹt tất cả dòng vốn thì nền kinh tế sẽ có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Trong báo cáo mới phát hành gần đây, các chuyên gia phân tích Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, NHNN sẽ tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại đến cuối năm 2022 để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu. Tuy vậy, từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, với các động thái quyết liệt hơn của Fed trong thắt chặt tiền tệ, có thể NHNN sẽ khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất nếu nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và các rủi ro bên ngoài giảm bớt.

Trước mắt, trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hiện nay, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Việt Nam nên tận dụng để thực hiện hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi. Về phía ngân hàng, giải pháp cần phải làm ngay để hỗ trợ nền kinh tế là triển khai gấp gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng.

Chính sách tiền tệ sẽ không thể đi theo hướng thắt chặt vì sẽ không đạt được mục tiêu về tăng nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề của chính sách tiền tệ là phải song hành với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, nên NHNN phải quản lý chặt chẽ lượng cung tiền trên thị trường, để cân đối dòng tiền giữa thanh toán và cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Những vấn đề này đòi hỏi từ nay đến cuối năm, NHNN phải có biện pháp điều hành chính sách tiền tệ thực sự linh hoạt, để lượng cung tiền đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; sau chu trình luân chuyển của dòng tiền thì ngân hàng phải hút dòng tiền đấy về, không để xảy ra tình trạng dòng tiền bị trôi nổi, đưa vào lĩnh vực đầu cơ, gây ra rủi ro lạm phát.

GS-TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục