Chuyển động mới của quỹ ETF nội

(ĐTCK) Sau những năm đầu khá yên ắng, 2 quỹ ETF nội địa là VFMVN30 (do CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam - VFM quản lý) và ETF SSIAM VNX50 (tiền thân là SSIAM HNX30, được quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI - SSIAM) đang có những chuyển động tích cực.
Các quỹ ETF nội như VFMVN30 và SSIAM VNX50 đều ghi nhận lợi nhuận ấn tượng thời gian qua Các quỹ ETF nội như VFMVN30 và SSIAM VNX50 đều ghi nhận lợi nhuận ấn tượng thời gian qua

Ra đời năm 2014, VFMVN30 (E1VFVN30) là quỹ ETF nội địa đầu tiên, với tổng tài sản quản lý tính đến cuối tháng 9/2017 là 1.022 tỷ đồng, tăng 138% so với thời điểm cuối năm 2016; lợi nhuận của E1VFVN30 đạt 28% (tính tới ngày 19/10/2017, mức tăng trưởng là 33%), vượt qua tất cả các quỹ ETF ngoại khác đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Không chỉ là chất, Quỹ cũng ghi nhận sự tích cực về lượng, khi trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng chứng chỉ quỹ được mua vào đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Cũng vì số lượng chứng chỉ quỹ tăng mạnh, nên thời gian qua, VFMVN30 có thêm hai nhà tạo lập thị trường là CTCK Bảo Việt (BVSC) và CTCK Rồng Việt (VDSC), bên cạnh CTCK TP.HCM (HSC) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư.

Đại diện VFM cho biết, trong cơ cấu góp vốn vào VFMVN30, có đến 91,64% thuộc tổ chức nước ngoài và chỉ 3,21% là cá nhân nước ngoài. Trong đó, 70% nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, còn lại là từ Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, châu Âu, Mỹ… VFM đang có kế hoạch thu hút vốn thêm từ các quốc gia khác. Được biết, E1VFVN30 đã niêm yết tại Sàn chứng khoán Hàn Quốc với tên gọi KINDEX Vietnam VN30 ETF.

Danh mục đầu tư của VFMVN30 hầu hết là những cố phiếu tăng trưởng tốt, nhưng đã kín room ngoại (chiếm 24% trong giá trị tài sản ròng NAV). Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Steven Mantle, Giám đốc Khối huy động vốn nước ngoài của VFM cho hay, lợi thế của quỹ ETF nội địa là không bị giới hạn ở những cổ phiếu bị khóa room ngoại.

“Tuy nhiên, lợi thế này sẽ mất đi khi quy định về room ngoại được cởi bỏ hoàn toàn và đây là một rủi ro”, ông Mantle nói.

Mặc dù vậy, theo ông Mantle, nút thắt room ngoại khó có thể được gỡ trong tương lai gần bởi độ trễ về chính sách. Bên cạnh đó, ETF vẫn là công cụ đầu tư hữu hiệu bởi thanh khoản tốt, có tính đại diện cho thị trường (vốn hóa của rổ VN30 chiếm 70% vốn hóa toàn thị trường và 74% các khoản đầu tư của khối ngoại nằm trong VN30) và đặc biệt là mức phí rẻ.

Hiện VFM đang quản lý khối tài sản khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó quỹ ETF chiếm hơn 1.000 tỷ đồng (tăng gần gấp 5 lần so với thời điểm mới thành lập là 202 tỷ đồng), đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các quỹ khác. Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Sửu, Điều hành quỹ ETF VFMVN30, VFM sẽ lập thêm quỹ ETF mới để đầu tư vào các tài sản có tính đòn bẩy cao như hợp đồng tương lai.

Đối với quỹ ETF nội địa thứ 2 là ETF SSIAM HNX30, mới đây đã đổi tên thành SSIAM VNX50 và đổi chỉ số tham chiếu là VNX50, đồng thời chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE. Theo đại diện của SSIAM, có sự thay đổi này là bởi chỉ số HNX30 đã kém hấp dẫn, thanh khoản thấp khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ đã chuyển sang niêm yết trên HOSE…

Thực tế, kết quả hoạt động của ETF HNX30 ghi nhận con số ấn tượng. SSIAM cho biết, từ đầu năm đến 22/8/2017, ETFHNX30 đạt tỷ suất lợi nhuận 28%. Sau thời điểm này, khi chuyển đổi toàn bộ danh mục đầu tư sang mô phỏng chỉ số VNX50, tính chung 9 tháng đầu năm, Quỹ đạt mức tăng trưởng 32%.

Giới chuyên gia cho rằng, dù ghi nhận sự biến chuyển tích cực, nhưng để quỹ ETF nội địa trở thành công cụ đầu tư quen thuộc đối với cả nhà đầu tư trong nước thì cần nhiều nỗ lực và thêm thời gian.

Lý do là bởi tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư châu Á nói chung thường thích tự đầu tư, trading ngắn hạn và mong muốn suất sinh lợi cao nhờ các cổ phiếu có những yếu tố đột biến bên ngoài, trong khi đó ETF lại mô phỏng theo chỉ số tham chiếu.

Cách đầu tư thụ động này hướng tới đạt tỷ suất lợi nhuận bằng tỷ suất lợi nhuận của chỉ số tham chiếu, nhưng nhà đầu tư Việt Nam chưa quan tâm đến loại sản phẩm này.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ