NamA Bank củng cố nội lực để tăng tốc phát triển

(ĐTCK) Trước áp lực tái cơ cấu, nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa đang phải đối mặt với việc mua bán và sáp nhập (M&A) để tồn tại. Song trong số đó, vẫn có những nhà băng đã củng cố sức mạnh bằng chính nội lực, để tạo đà tăng trưởng bền vững.
Khách hàng giao dịch tại NamA Bank Khách hàng giao dịch tại NamA Bank

Tái cơ cấu bằng chính nội lực

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) là một trong số đó. Trong năm qua, mặc dù hoạt động ngân hàng nói chung bị ảnh hưởng do tình hình thị trường không mấy thuận lợi, nhưng NamA Bank vẫn đạt được những kết quả phù hợp, đồng thời thực hiện được các cam kết với cổ đông. Điều đáng nói là trong quá trình tái cơ cấu, NamA Bank đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực.

Cụ thể, để tạo đà bứt phá sau tái cơ cấu, Ngân hàng đã tích cực mở rộng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, đầu tư vào các hệ thống xử lý tác nghiệp, phát triển các chương trình ứng dụng cung cấp sản phẩm trên nền tảng công nghệ hiện đại. Các dịch vụ ngân hàng điện tử đã được NamA Bank cung cấp trên thị trường gồm: dịch vụ thanh toán hóa đơn, dịch vụ thanh toán trực tuyến, Mobile Banking, Phone Banking, Internet Banking, SMS Banking, ví điện tử NamA Bank, dịch vụ VnTop, Call Center… để từ đó, có thể gia tăng nguồn thu dịch vụ đóng góp vào lợi nhuận Ngân hàng. Vì những nền tảng trên, NamA Bank đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 lên đến gần 87% so với năm 2012.

Năm 2013, với nội lực tài chính vững mạnh, dưới sự điều hành nhiều kinh nghiệm của HĐQT, Ban điều hành cùng sự năng động và đầy nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ nhân viên trẻ, NamA Bank đã vượt qua được khó khăn chung của nền kinh tế và phát triển bền vững an toàn. Tính đến cuối năm 2013, dư nợ của NamA Bank đạt 13.405 tỷ đồng, tăng 6.220 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát ở mức rất thấp 1,48%, giảm 1,23% so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận trước thuế ở mức phù hợp, 183 tỷ đồng.

Năm 2014, NamA Bank lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 4.000 tỷ đồng, đồng thời nâng tổng tài sản lên mức 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng.

Để tạo đà tăng trưởng bền vững

Có thể nói, những năm gần đây, NamA Bank đã có sự thay đổi đáng kể về cả diện mạo lẫn quản trị điều hành để tạo đà bứt phá. Dưới sự điều hành của Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ, NamA Bank đang đi theo mục tiêu tăng trưởng bền vững, thay vì kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, trong năm nay, NamA Bank sẽ xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tập trung, độc lập và toàn diện. Đặc biệt, NamA Bank sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin, tạo nền tảng vững chắc trong việc quản trị hệ thống trực tuyến cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng và yêu cầu cạnh tranh.

Chiến lược tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank năm 2014 vẫn tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ và đẩy mạnh hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Để cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường khó khăn lúc này, ông Vũ cho biết, những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phải biết tìm được “ngách” riêng để phát triển và NamA Bank đã làm được điều đó. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong lúc này đòi hỏi phải kiểm soát được chất lượng cũng như rủi ro nợ xấu. Vì thế, trong năm 2014, NamA Bank sẽ tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ để hạn chế được tối đa rủi ro nợ xấu, đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Thực tế, những năm gần đây, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động ngành ngân hàng đã bị ảnh hưởng đáng kể khi hoạt động doanh nghiệp không thuận lợi. Lợi nhuận đạt được của ngành ngân hàng cũng sụt giảm mạnh và NamA Bank không nằm ngoài vòng xoáy này. Thế nhưng, chính sách cổ tức vẫn được NamA Bank thực hiện theo cam kết đã đưa ra. Đồng thời, để đảm bảo được quyền lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ, NamA Bank dành tỷ lệ cổ tức lớn hơn cho cổ đông nhỏ, còn cổ đông lớn được nhận mức thấp hơn. Chẳng hạn như năm 2012, NamA Bank chia cổ tức 9% cho các cổ đông có cổ phần bình quân năm dưới 10 tỷ đồng và 4,47% cho cổ đông có cổ phần bình quân năm trên 10 tỷ đồng. Ngân hàng đã thực hiện chính sách tạm ứng cổ tức năm 2013 ở mức 3% bằng tiền mặt… Chính điều này đã tạo được niềm tin và sự gắn bó của cổ đông với Ngân hàng trong suốt chặng đường dài.       

Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục