Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số đã trở thành một bộ phận cốt lõi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững và 5G chắc chắn sẽ trở thành động lực kinh tế - xã hội cho Việt Nam.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào

Một nghiên cứu do Đại học Imperial (London) thực hiện cho thấy, việc tăng trung bình 10% trong ứng dụng băng thông rộng di động có thể mang lại mức tăng tương ứng trong tăng trưởng kinh tế (GDP) lên tới 0,8%. Lợi ích còn lớn hơn đáng kể ở các nước thu nhập thấp. Điều này sẽ giúp xây dựng các nền kinh tế năng động, bền vững và sáng tạo, nhằm mang lại tăng trưởng toàn diện.

Các quốc gia có mức phổ cập băng thông rộng thấp nhất có thể tăng GDP lên tới 20% bằng cách kết nối các trường học và cam kết đi kèm đầu tư vào kỹ năng, nội dung và thiết bị số. Điều này đòi hỏi các mạng đáng tin cậy, vững chắc được thiết lập trên quy mô lớn, nhanh chóng và với chi phí hợp lý.

Cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ mà chúng tôi đang thiết lập ở Việt Nam sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số, tạo thêm việc làm và thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam đơn giản hóa hoạt động và giảm chi phí, từ đó tăng hiệu quả và năng suất. Việc cung cấp kết nối trường học và các kỹ năng số cho thế hệ trẻ là yếu tố quan trọng để khai thác tiềm năng trong các nền kinh tế đang phát triển.

Đầu năm nay, chúng tôi đã công bố việc hợp tác phát triển sáng kiến giáo dục tại Việt Nam với Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) nhằm giúp đào tạo sinh viên Việt Nam về 5G và các công nghệ mới. Những nhân tài 5G trẻ được đào tạo từ sự hợp tác này sẽ phục vụ để tăng tốc chương trình Công nghiệp 4.0 của Việt Nam và các sáng kiến chuyển đổi số quốc gia, giúp đẩy mạnh làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện ở Việt Nam với hỗ trợ bởi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngành ICT đóng góp dưới 2% lượng khí thải toàn cầu, nhưng lại có khả năng giảm lượng khí thải toàn cầu từ các lĩnh vực khác lên đến 15%. Ví dụ, tự động hóa trong khai thác mỏ là một trong những công nghệ quan trọng nhất thúc đẩy ngành công nghiệp và có thể giảm thiểu rủi ro không cần thiết cũng như giảm lượng khí thải hoạt động. Các phương tiện tự động, khoan tự động, giám sát công trường tự động và thông gió tự động là những yếu tố quan trọng đối với tương lai của ngành khai thác.

Các quy trình khai thác tự động và bền vững với sự hỗ trợ từ kết nối 5G đang định hình lại ngành khai thác. Riêng mạng 5G cung cấp kết nối vượt trội cho các hoạt động khai thác so với các dịch vụ khác nhờ độ trễ thấp và băng thông cao hơn đối với nhiều trường hợp sử dụng liên quan, đặc biệt là tự động hóa.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), xe tự động sử dụng ít nhiên liệu hơn nhiều so với các phương tiện thay thế và yêu cầu bảo dưỡng ít hơn đáng kể, dẫn đến giảm lượng khí thải các-bon. Chúng tôi đã thực hiện một phép định lượng cụ thể về lượng khí thải các-bon thông qua sự hợp tác với công ty khai thác mỏ Thụy Điển Boliden. Kết quả cho thấy, tự động hóa cung cấp bởi mạng 4G/5G đã giúp Công ty tiết kiệm được khoảng 1% tổng chi phí hàng năm của mỏ Aitik.

Hơn nữa, báo cáo cũng ước tính mức tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm được khoảng 10%, tương ứng với việc giảm 9.400 tấn khí thải CO2. Ngành công nghiệp khai thác sử dụng một lượng lớn năng lượng. Chi phí năng lượng chiếm 30% chi phí hoạt động của các công ty khai thác và nhìn chung ngành công nghiệp này chiếm 12% tổng lượng sử dụng năng lượng công nghiệp ở Mỹ.

Còn nhiều ví dụ khác về việc chuyển đổi số tạo ra những cơ hội hạn chế tác động của ngành sản xuất đến môi trường. Với mối đe dọa đang ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, tác động tiêu cực của khí thải các-bon đang là mối quan tâm cấp bách trên toàn thế giới.

Áp lực lên các doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu và hạn chế sự nóng lên toàn cầu đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thế giới đang đưa ra các cam kết thực hiện tham vọng đạt Net Zero trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình.

Chủ động quản lý các chủ đề liên quan đến hành động khí hậu và môi trường là yếu tố cốt lõi trong chiến lược bền vững của Ericsson. Chúng tôi đã cam kết đạt mức phát thải Net Zero trong chuỗi giá trị của Tập đoàn vào năm 2040. Ericsson đang nỗ lực hướng tới cột mốc quan trọng đầu tiên là cắt giảm 50% lượng khí thải trong chuỗi cung ứng và danh mục giải pháp vào năm 2030, đồng thời đạt Net Zero trong các hoạt động khác.

Denis Brunetti
Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục