Thách thức số 1 khi chuyển đổi số
Theo kết quả khảo sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức USAID (Mỹ) về chuyển đổi số, 60,1% doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; 52,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,4% thiếu hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số…
Tại Diễn đàn Đồng hành cùng SME trong chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong quá trình phát triển hiện nay, việc hỗ trợ các SME, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mà hơn 800.000 doanh nghiệp, những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, cần không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.
Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, rào cản lớn nhất khiến các SME e ngại chuyển đổi số là chi phí. Có 59,8% doanh nghiệp gặp vấn đề về chi phí chuyển đổi số, trong khi rào cản về hạ tầng là 37,5%, thiếu thông tin là 35,9%...
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, cản trở lớn nhất của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số nằm ở phần chi phí. Hiện nay, chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao so với doanh nghiệp, đặc biệt đối với SME chiếm 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) cũng đánh giá, tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% SME gặp khó khăn về vốn, nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn.
Giải pháp nào cho SME?
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó trên 90% là các SME thiếu vốn, thiếu nền tảng công nghệ, thiếu nhân lực… Nếu không dùng nền tảng số, sẽ không thể nào đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các SME. “Các nền tảng số có thể dùng được ngay, không lo phải có hệ thống công nghệ, nhân lực công nghệ để vận hành quản trị”, ông Dũng nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wincom cho biết, chi phí về công nghệ trong chuyển đổi số chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí. Việc mua phần mềm về ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó.
“Muốn vậy, doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề của mình, cần giải quyết như thế nào. Tức là phải có đầu bài và quy trình rõ ràng, sau đó làm việc với đối tác về chuyển đổi số để họ nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án phù hợp”, ông Hải nói.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông tin, Tập đoàn đã thiết kế một nền tảng tích hợp tất cả về quản trị doanh nghiệp với tên gọi One SME để phục vụ SME, thực hiện theo hình thức giống như thuê bao điện thoại, có trả phí hàng tháng.
“Số phí phù hợp với từng doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động của ứng dụng do nhân lực của VNPT điều hành. Chúng tôi có mạng lưới bưu chính, viễn thông rộng khắp cả nước đang triển khai hoạt động này, với hàng trăm ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ, qua đó giải bài toán cho SME về chuyển đổi số”, ông Thái cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, trong quá trình chuyển đổi số, các SME có những nét đặc thù riêng so với các doanh nghiệp lớn. Những đặc thù đó có thể đến từ câu chuyện về nguồn nhân lực mỏng hay tiềm năng tài chính hạn chế so với các doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, các SME phải tính toán, phân tích cẩn thận để quá trình chuyển đổi số được thực thi nhanh hơn, hiệu quả hơn, đòi hỏi những kỹ năng và sự đồng lòng trong toàn bộ tổ chức.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chuyển đổi số không thể diễn ra trong một sớm một chiều và có không ít khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là với các SME. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực, thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 9/2022, Chương trình Hỗ trợ SME chuyển đổi số (SMEdx) của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp cận được khoảng 490.923 SME, chiếm 61% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đạt mức tăng trưởng trung bình 20%/tháng. Trong đó, tổng số SME sử dụng các nền tảng của Chương trình đạt trên 62.000 doanh nghiệp, chiếm 13% tổng số SME tiếp cận chương trình, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 15%.
Để hỗ trợ SME triển khai chuyển đổi số hiệu quả, SMEdx cam kết cung cấp từ 3 - 6 tháng miễn phí cho các SME có quy mô dưới 50 người. Các SME sử dụng nền tảng số, không cần đầu tư vận hành, mà chỉ cần trả tiền theo “thuê bao” hàng tháng và bảo đảm an toàn thông tin.