Chuyển đổi số, thí điểm ứng dụng AI trong phổ biến pháp luật

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030" (Đề án).
Một trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là sẽ thí điểm xây dựng, triển khai ứng dụng AI trong cung cấp thông tin, phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đổi mới toàn diện, căn bản công tác quản lý, phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp thông qua ưu tiên ứng dụng công nghệ số kết hợp phương thức truyền thống phù hợp. Bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, tiếp cận mọi đối tượng, tăng cường tương tác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tối ưu chi phí, thực chất, đáp ứng tối đa nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2027): Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng trình dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (sửa đổi).

Nâng cấp, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia với chức năng chính là cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các Cổng/Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương.

Phấn đấu ít nhất 80% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 60% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số…

Giai đoạn 2 (từ năm 2028 đến năm 2030): Phấn đấu hoàn thiện việc nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, bảo đảm vai trò trung tâm cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.

Phấn đấu ít nhất 90% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 70% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số; 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…

10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: 1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 2. Hoàn thiện chính sách, thể chế về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 3. Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; 4. Chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, doanh nghiệp; 5. Hỗ trợ một số địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 6. Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 7. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế; 8. Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 9. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong thực hiện chuyển đổi số công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 10. Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Trong đó, nhằm chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, doanh nghiệp, sẽ chuẩn hoá, xây dựng, cập nhật kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung, nâng cấp, phát triển Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia thành địa chỉ tập trung, chủ đạo trong cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng, phát triển Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường tính tương tác giữa nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Về xây dựng, phát triển Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, sẽ nâng cấp Trang Thông tin về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp thành Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cấp, vận hành, cập nhật thường xuyên Trang thông tin/Chuyên mục hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp; văn bản của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc liên quan; văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, sẽ thí điểm xây dựng, triển khai ứng dụng AI trong cung cấp thông tin, phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành; triển khai hệ thống hỏi đáp pháp luật tự động trong một số lĩnh vực và một số đối tượng cụ thể (Ưu tiên hỗ trợ các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật, trong đó có tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin pháp luật cho mọi người dân); tích hợp, khai thác phù hợp các ứng dụng AI hiện có của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp...

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục