Có ý kiến cho rằng, chuyển đổi số khiến sự “va đập” giữa khối công nghệ và kinh doanh ngày càng lớn hơn. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Tôi có quan điểm trái ngược với nhận định này. Với chuyển đổi số, cần sự gần gũi nhau hơn giữa khối công nghệ thông tin và khối kinh doanh.
Ngân hàng nào có người đứng đầu các bộ phận này dung hòa được giữa kiến thức công nghệ và kiến thức kinh doanh sẽ là ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất.
Bởi chuyển đổi số không chỉ là công nghệ đơn thuần, đó còn là vấn đề về mô hình kinh doanh, làm sao ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh.
Thực tế đang cho thấy, có sự thay đổi trong kỳ vọng các giám đốc công nghệ (CIO) - không chỉ đơn thuần nói về công nghệ, mà còn biết ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.
Với những CIO hướng về nghiệp vụ, khi nói chuyện sẽ không có rào cản, mà chỉ là làm thế nào phối hợp tốt để triển khai công việc tốt nhất.
Do vậy, để chuyển đổi số thành công thì công nghệ cần hiểu về kinh doanh và ngược lại, kinh doanh cũng cần hiểu biết về công nghệ. Cùng nhau hợp tác cho một mục đích chung, tôi cho rằng đó là điều quan trọng nhất.
Với kinh nghiệm của bản thân, ông đã khi nào “va đập” chưa?
Ðể mọi người thấy được sự “va đập” thì đã quá muộn. Mình phải cảm nhận trước là bắt đầu có sự rạn nứt nào đó, hay một góc nhìn tử bên ngoài cho thấy có những dị nghị, hay góc nhìn khác là cần tự điều chỉnh.
Ðiều quan trọng vẫn là làm sao để khai thác được thế mạnh của nhau ở từng lĩnh vực và thể hiện được rằng, chúng ta đang cùng mục tiêu chung để không phát sinh các “va đập” ngoài ý muốn.
Ông đã bao giờ phải đối mặt với những ý kiến “công nghệ thì tốn kém, mà vẫn chậm chạp”?
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VietinBank.
Tôi đã gặp nhiều ý kiến như thế này và muốn chia sẻ rằng: thứ nhất, công nghệ bao giờ cũng tốn kém; thứ hai, quy trình bao giờ cũng chậm chạp.
Ðặc biệt, đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước thì do quy trình, thủ tục chặt chẽ nên việc thực thi là khá chậm.
Cụ thể, khi tiến hành đầu tư công nghệ, thường phải mất 3 tháng để xây dựng thử nghiệm, kết quả cho dù đã tốt nhưng để triển khai và ứng dụng được công nghệ đó thì sẽ cần thêm 6 tháng để xin kế hoạch vốn, 6 tháng để cho công tác đấu thầu, 3 tháng để làm lại đúng các việc đã thử nghiệm.
Ðiều này có nghĩa, những ngân hàng hay công ty công nghệ tài chính Fintech không có vốn nhà nước, không bị trói buộc khỏi các thủ tục chỉ cần 6 tháng để làm được, thì doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ cần tối thiểu 18 tháng.
Chi phí thì vẫn cao, nhưng mọi việc vẫn chậm và chậm ở đây không phải do công nghệ chậm, mà do thủ tục, quy trình thực hiện dự án. Ðể cải thiện điều này thì cần có tiếng nói của nhiều bên hơn nữa.
Chúng ta đang hướng tới Quốc gia khởi nghiệp, kiến tạo, nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) còn gặp nhiều rào cản.
Chẳng hạn, trong hoạt động đấu thầu, theo quy định của Luật Ðấu thầu, tất cả các công ty có vốn nhà nước nếu muốn tham gia đấu thầu đều phải không lỗ trong vòng 3-5 năm. Liệu có công
ty Fintech, startup nào trên thực tế có báo cáo tài chính không lỗ trong 3 năm đầu hoạt động? Nếu 3 năm không lỗ thì công ty đó đã không còn gọi là startup. Vướng về quy trình, thủ tục vẫn là rào cản lớn cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ.
Trong một diễn đàn công nghệ gần đây, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng: “Ông chủ ngân hàng không đề ra năm nay chi bao tiền cho công nghệ, mà chỉ đặt chỉ tiêu năm nay thu được bao nhiêu lợi nhuận”. Ông có thấy vướng mắc khi tìm sự đồng thuận của lãnh đạo ngân hàng mình trong việc chuyển đổi số?
Tôi may mắn khi có 2 lãnh đạo là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (CEO) rất am hiểu về công nghệ, nên đều tin vào sự hỗ trợ của công nghệ trong kinh doanh.
Chính vì thế, chiến lược số hóa ngân hàng đã nhận được sự ủng hộ rất cao từ Ban lãnh đạo. Ðây là nền tảng tốt để VietinBank thực hiện các dự án chuyển đổi số của mình.
Ông đánh giá thế nào về nhận định “CEO là con tin của CIO”?
Nếu cho rằng CEO là con tin của CIO thì CIO sẽ là con tin của đối tác. Bởi một thực tế rõ ràng là các CIO không làm công nghệ một mình, mà làm với các đối tác, các công ty công nghệ.
Vấn đề ở đây CIO là người cung cấp dịch vụ và CEO giỏi sẽ biết dùng dịch vụ đó một cách tốt nhất.
Tại VietinBank, cổ đông lớn Nhật Bản là MUFG đặt ra chiến lược rất rõ ràng về ngân hàng số, định nghĩa rõ ràng chiến lược số nào là vĩ mô và chiến lược số nào đem lại lợi nhuận ngay lập tức.
Thậm chí, một số dự án của MUFG còn đánh giá thử xem lợi nhuận của ngân hàng số đem về là bao nhiêu.
Do đó, việc xây dựng và triển khai chiến lược số hóa được đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng từ Ban lãnh đạo Ngân hàng.
Trong môi trường số hóa được nhìn nhận đầy khô khan và cứng nhắc, theo ông, đâu là sự thú vị, hấp dẫn để giữ chân những con người nơi đây?
Tôi không nghĩ môi trường số hóa là cứng nhắc, khô khan, mà là sự sáng tạo. Số hóa không chỉ là dự án công nghệ, mà quan trọng hơn, số hoá là chúng ta nhìn thấy ý tưởng mới để vận dụng. Ðó là sự hấp dẫn của số hoá.
Tôi muốn dẫn một ví dụ tại VietinBank, trước đây, nghỉ phép nhân viên phải viết đơn báo cáo lãnh đạo, lãnh đạo chấp thuận và chờ chuyển bước tạm thời đóng tài khoản của nhân viên thì mới được nghỉ.
Còn bây giờ, nhân viên chỉ cần nhắn tin vào chatbot, ứng dụng này sẽ tự động chuyển thông tin đến lãnh đạo phê duyệt và các bộ phận có liên quan, sau đó tự động khóa tài khoản của nhân viên đó. Rõ ràng, đó là những ý tưởng rất hấp dẫn, chứ đâu có khô khan.
Công nghệ có thể khô khan, nhưng vấn đề chỉ là cách chúng ta ứng dụng sao cho mượt mà hơn, sáng tạo hơn để không thấy nó khô khan mà thôi.
Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, ông luôn cho thấy một sự phấn khích, hồ hởi, nhiệt tâm khi giới thiệu những sản phẩm công nghệ của VietinBank. Về một “Giám đốc công nghệ đi bán hàng”, ông sẽ kể điều gì với bạn đọc?
Trong một diễn đàn gần đây, chủ tịch một doanh nghiệp lớn đã nhận xét vui “thế giới bây giờ đảo ngược, CEO thì nói về công nghệ, CIO thì đi bán hàng”.
Tôi nghĩ rằng, đó không chỉ là câu nói vui, mà là câu chuyện thực tế hiện nay. Bao hàm trong đó là sự hoà hợp về kiến thức giữa công nghệ và kinh doanh như tôi đã trao đổi ở trên. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều trường hợp và tôi tin, mô hình này sẽ còn phổ biến hơn nữa ở Việt Nam.