Chuyển đổi số, hành trình tất yếu của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh không còn là xu hướng, mà đã trở thành yếu tố tiên quyết đối với sự “sống còn” của ngành ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sẽ không là ngoại lệ.
Chuyển đổi số, hành trình tất yếu của ngành ngân hàng

Chuyển đổi số tại các ngân hàng trên thế giới

Trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh đã trở thành yếu tố tiên quyết đối với sự “sống còn” của ngành ngân hàng.

Tại Mỹ, Ngân hàng Bank of America đã triển khai thành công ngân hàng số, tự động hóa hoàn toàn với chatbot Eric để hỗ trợ khách hàng trên ứng dụng di động, thành lập các chi nhánh robot (Robo-branches), lắp đặt hàng loạt máy tính bảng tại các chi nhánh để khách hàng có thể chủ động tự thực hiện các giao dịch cơ bản mà không cần tới giao dịch viên.

Cũng tại quốc gia này, Ngân hàng Citizens Bank đã triển khai thành công nhân viên bảo vệ Knightscope K5 là robot với những chức năng như quay video 360 độ, nhận diện biển số xe, hoạt động 24/7 và tự sạc pin, nhận diện được những người không được phép tiếp cận vào khu vực cấm, nhận diện được các tín hiệu lạ truyền tới ngân hàng…

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã triển khai thành công ngân hàng tự động hóa hoàn toàn cùng với robot Tiểu Long (Xiao Long) để phục vụ khách hàng, máy ATM có khả năng mở tài khoản mới cho khách hàng và giao dịch ngoại hối.

Chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số là việc đưa toàn bộ các hoạt động từ xã hội thực lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Bốn công nghệ số đại diện cho công cuộc chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing). Bên cạnh đó, chuỗi khối (Blockchain) đang dần được coi là một thành phần quan trọng và đầy tiềm năng của chuyển đổi số.

Đối với ngân hàng, chuyển đổi số là quá trình hướng tới cái đích là ngân hàng số với nhiều mức độ. Các mức độ này có thể chia thành 4 giai đoạn: 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như Internet banking, Mobile banking; 2.0 là thời kỳ hợp kênh, đưa mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng; 3.0 là ngân hàng số toàn diện, trong đó, người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng; 4.0, ngân hàng tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chuyển đổi số tại các ngân hàng trên thế giới
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chuyển đổi số tại các ngân hàng trên thế giới

Đối với ngành tài chính - ngân hàng, nhu cầu chuyển đổi số hóa sẽ ngày càng cấp thiết hơn. Chuyển đổi có thể bắt đầu từ những chuyển biến nhỏ nhất, ví dụ thanh toán bằng QR, đến những cải thiện lớn hơn như cho vay số hóa, số hóa các hoạt động trong ngân hàng và chuyển đổi tư duy chiến lược kinh doanh sang một tư duy chiến lược kinh doanh số toàn diện.

Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại đã mạnh dạn triển khai chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường các điểm tương tác, tiếp cận khách hàng và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các ngân hàng đã, đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như thanh toán không tiếp xúc, xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ.

Một số ngân hàng đã đi xa hơn trên con đường chuyển đổi số, thông qua ứng dụng những công nghệ phức tạp hơn. Chẳng hạn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngân hàng: TPBank với trợ lý ảo T’Aio trên Facebook Messenger; quy trình đăng ký tự động và thay đổi dịch vụ qua SMARTFORM tại MBBank; phân tích thông tin, đánh giá và dự báo khả năng thanh toán của khách hàng sử dụng Watson do Five 9 phát triển tại BIDV.

Một số ngân hàng đưa ra nền tảng ngân hàng số độc lập, chẳng hạn CAKE của VPBank, Timo liên kết với VietCapitalBank, hay xây dựng những không gian giao dịch số như Livebank - dịch vụ ngân hàng tự động của TPBank, Digital Lab của Vietcombank.

Công nghệ điện toán đám mây đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số tại các ngân hàng trên thế giới nhờ việc tiết kiệm chi phí, tốc độ nhanh và khả năng lưu trữ lớn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng liên tục mạnh mẽ. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam chưa triển khai điện toán đám mây do sự “nhạy cảm” về yêu cầu lưu trữ dữ liệu, hệ thống dữ liệu phức tạp và không đồng bộ.

Khuôn khổ pháp lý hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn thúc đẩy và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính thực hiện chuyển đổi số hóa, đưa ra các thông điệp nhấn mạnh rằng, lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có ngành tài chính - ngân hàng.

Bốn công nghệ số đại diện cho công cuộc chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Bên cạnh đó, chuỗi khối đang dần được coi là một thành phần quan trọng của chuyển đổi số.

Trong thời gian qua, một loạt quy định được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng, khuyến khích ngân hàng áp dụng công nghệ số hóa mới để cung ứng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn. Chẳng hạn, Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP, theo đó cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Căn cứ nguyên tắc, định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. Việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng và khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, cho vay…). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh từ tiếp xúc.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Dự thảo nghị định này quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước cũng hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Những nỗ lực này từ phía nhà quản lý được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới sáng tạo vào hoạt động ngân hàng, đồng thời cũng cân bằng được với quản trị rủi ro, ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương là Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam) kiêm Lãnh đạo Phụ trách Chiến lược Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của EY ASEAN; Phó tổng giám đốc Kiểm toán chính tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) cho nhiều khách hàng lớn (ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán, quỹ và công ty quản lý quỹ). Ngoài ra, bà còn là Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của EY tại thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia. Bà Dương cũng đóng vai trò lãnh đạo trong các dự án tư vấn để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan quản lý.

Bà Dương có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn tại các công ty thành viên của EY ở Việt Nam và Úc, cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng và tổ chức tài chính uy tín. Thông qua những trải nghiệm ở trong và ngoài nước, bà đã tích lũy những kỹ năng lãnh đạo và quản lý xuất sắc cũng như kiến thức chuyên môn thực tế.

Bà Dương là cố vấn tích cực và là người đóng góp cho một loạt dự thảo quy định và chính sách về xử lý nợ xấu, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 của Việt Nam, Phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC), Khung pháp lý thử nghiệm, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các quy định giám sát đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Bà Dương còn là Phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Việt Nam và là thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC).

Nguyễn Thuỳ Dương
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục