Chuyển đổi sang đầu tư công, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu giảm hơn 1.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu giai đoạn phân kỳ dự kiến có tổng mức đầu tư mới là 7.286,58 tỷ đồng.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Thanh Hóa Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Thanh Hóa

Ban quản lý dự án 6 – PMU 6 vừa trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, Dự án sẽ được đầu tư bằng Ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 7.286,58 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 4.305,89 tỷ đồng; chi phí GPMB là 1.778 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn là 594 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 653 tỷ đồng. Dự án được đề xuất là khởi công năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành bàn giao năm 2023.

So với phương án đầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt tại Quyết định số 2318/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT, tổng mức đầu tư theo phương án sử dụng vốn đầu tư công giảm khoảng 1.090 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng. Quy mô đầu tư Dự án cơ bản vẫn được giữ nguyên như tại Quyết định số 2318.

Cụ thể, Dự án sẽ xây dựng 50 km đường cao tốc, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h với điểm đầu (Km380+000) phía sau nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối (Km 430+000) phía sau nút giao với đường Quốc lộ 7 (trùng với điểm đầu của Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt), thuộc địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Được biết, các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các Nhà đầu tư, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc và phụ thuộc vào yếu tố thị trường, đặc biệt là khả năng huy động vốn tín dụng để triển khai dự án.

Chính phủ và Bộ GTVT đã tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan về giải pháp tháo gỡ khó khăn về huy động tín dụng cho các dự án, nhưng việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng.

Thực tế Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu là một trong hai dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư. Bộ GTVT chấp thuận hủy thầu và báo cáo Chính phủ. Tại văn bản số 610/BC-CP ngày 2/12/2020, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư dự án sang đầu tư công.

Ngày 4/2/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư hai dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo PMU 6, việc chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước sẽ trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy được tăng trưởng của nền kinh tế.

Về hiệu quả đầu tư, Dự án giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án đầu tư công đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 và Nghị quyết số 117/2020/QH14). Cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục