Chuyển đổi Nhà máy Thép Gia Sàng thành Dự án Crown Villas, đại diện Thái Hưng nói gì?

(ĐTCK) Quanh những phản ánh của Báo Đầu tư Bất động sản liên quan đến quá trình đấu giá để tái khởi động Nhà máy Thép Gia Sàng, sau đó lại ngừng hoạt động và chuyển đổi đất thành Dự án Thái Hưng Eco City (Crown Villas), đại diện chủ đầu tư dự án đã có phản hồi.
Khu liền kề, biệt thự cũng đang gấp rút triển khai Khu liền kề, biệt thự cũng đang gấp rút triển khai

Không chịu trách nhiệm về người lao động cũ của Thép Gia Sàng

Trong cuộc làm việc với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Duy Luân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng cho biết, Thái Hưng từng là một cổ đông của Công ty cổ phần Luyện cán Thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng). Thái Hưng tham gia đấu giá tài sản tại công ty này theo mục đích ban đầu là vực dậy nhà máy luyện cán thép lâu đời này.

Trong quy chế bán đấu giá có điều khoản cam kết người mua trúng đấu giá không tháo dỡ máy móc thiết bị, dây chuyền và tái cơ cấu, khôi phục sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Thực tế, trước Thái Hưng đã có một đơn vị đấu giá thành công tài sản của Công ty Gia Sàng. Tuy nhiên, nhiều lần thi hành án không thực hiện được với lý do người lao động của Công ty ngăn cản không đồng ý cho tháo dỡ Nhà máy, mà mục đích của đơn vị đó là tháo dỡ thanh lý tài sản làm thép phế, nên kết quả đấu giá bị hủy.

Đặc biệt, ông Luân cho biết, việc đảm bảo quyền lợi người lao động là trách nhiệm của Công ty Gia Sàng, không thuộc trách nhiệm của Thái Hưng. Tuy nhiên, theo ông Luân, Thái Hưng vẫn song hành cùng với Gia Sàng bằng những hình thức cụ thể. Chẳng hạn như ngày 22/7/2016, Thái Hưng nhận bàn giao tài sản từ bên thi hành án, thì ngay ngày hôm đó Công ty ký hợp đồng sửa chữa và thuê toàn bộ cán bộ công nhân viên của Gia Sàng làm việc.

Chuyển đổi Nhà máy Thép Gia Sàng thành Dự án Crown Villas, đại diện Thái Hưng nói gì? ảnh 1

Khu trường học trong dự án đang được hoàn tất

“Thái Hưng đấu giá mua tài sản đã thế chấp ở ngân hàng chứ không phải là mua Công ty Gia Sàng. Tuy nhiên, sau khi thuê sữa chữa xong nhà máy đó, Thái Hưng lại tiếp tục ký hợp đồng thuê nhân công sản xuất. Khi nhà máy lại dừng sản xuất, Thái Hưng lại thuê bảo dưỡng máy móc thiết bị và tháo dỡ di chuyển. Tại thời điểm này, còn đâu đó mấy chục người thì Thái Hưng vẫn tạo việc làm. Vì không phải người của mình, nên Thái Hưng chỉ giải quyết và tạo được việc làm gián tiếp như vậy”, ông Luân nói và cho biết, nguyên nhân tạm dừng sản xuất là do dây chuyền cán thép Gia Sàng đầu tư đã trên 40 năm, nên lạc hậu không phù hợp với tình hình hiện nay.

Vị đại diện này lý giải thêm, nhiều vật tư thiết bị của dây chuyền mất mát, song không có vật tư thay thế bán trên thị trường nên việc sửa chữa thay thế không thực hiện được. Công ty phải khai thác các chi tiết đã hỏng trước đây đi gia công lại, dẫn đến thiết bị không đồng bộ, hoạt động kém ổn định, hay xảy ra sự cố bất thường… Do đó, các bên đã thống nhất đề ra phương án xây dựng nhà máy cán thép mới với công suất 500.000 tấn/năm và di dời về khu vực triển khai giai đoạn 2 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ chưa đồng ý đầu tư vào đó, nên giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên vẫn tạm dừng dẫn đến việc chưa thực hiện được việc xây dựng Nhà máy Thép Gia Sàng mới.

5 cuốn sổ đỏ giá trị bằng 0 đồng

Đối với lô đất sản xuất - kinh doanh hơn 21 ha của Công ty Gia Sàng, ông Luân cho biết, 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên được ngân hàng nhận thế chấp của Công ty Gia Sàng và được xác định giá trị bằng 0 đồng.

Giải thích lý do, theo ông Luân, khi Thái Hưng trúng đấu giá tài sản thì tất cả những gì được gọi là tài sản mà bên thi hành án đem đấu giá sẽ thuộc về Thái Hưng. Việc xác định quyền sử dụng lô đất hơn 21 ha nói trên giá bằng 0 đồng là do đây là đất thuê Nhà nước nộp tiền sử dụng đất hàng năm, Công ty Gia Sàng còn đang nợ tiền thuế đất của Nhà nước gần 10 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp gần 10 năm nay.

Về vấn đề UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi quyền sử dụng đất từ Công ty Gia Sàng và cấp mới quyền sử dụng đất cho Thái Hưng, theo đại diện công ty này là áp dụng theo Luật Đất đai, Luật Đấu giá, do vẫn giữ nguyên mục đích ban đầu là đất sản xuất - kinh doanh. Trường hợp không áp dụng "thu và giao" chỉ trừ phi đấu giá và chuyển mục đích sử dụng khác thì phải lập phương án và phải thẩm định, được chấp thuận hay không mới được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chuyển đổi Nhà máy Thép Gia Sàng thành Dự án Crown Villas, đại diện Thái Hưng nói gì? ảnh 2

Dự án Crown Villas đã được mở bán

Sau khi quyết định di dời Nhà máy Thép Gia Sàng sang vị trí mới, căn cứ vào việc khu đất trong quy hoạch tương lai sẽ thành nhà ở thương mại, nên trên tinh thần nếu Thái Hưng không có nhu cầu thì UBND tỉnh cũng sẽ giao cho nhà đầu tư khác triển khai dự án nhà ở thương mại, Thái Hưng có đề xuất thêm phương án với UBND tỉnh Thái Nguyên lập phương án và xin chuyển đổi khu đất 21,4 ha của Nhà máy Thép Gia Sàng sang mục đích đất hỗn hợp để đưa vào triển khai dự án nhà ở thương mại mang tên Thái Hưng Eco City.

Ông Luân cũng cho biết thêm, trong Quyết định chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên có nêu rõ, khi chuyển đổi sẽ phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính. Theo quy định của Luật Nhà ở, tối đa 45% đất hỗn hợp có thể kinh doanh. Tuy nhiên, Thái Hưng chỉ sử dụng khoảng 8 ha (tương đương hơn 34,7%) để kinh doanh, và đây là cơ sở để Hội đồng tính giá của tỉnh tính toán số tiền Thái Hưng phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tổng số tiền thuế đất mà công ty này phải nộp là 215,164 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,65 triệu đồng/m2 đất.

Về căn cứ để tính ra giá trị nộp tiền này, ông Luân cũng cho biết, khi UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và các cơ quan chức năng của Thái Nguyên tính toán, do tại thời điểm đó trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có một dự án nào như Thái Hưng Eco City, nên không thể sử dụng phương pháp so sánh khi tính giá trị để nộp thuế đất. Vì vậy, sau khi tham vấn ý kiến tư vấn nhiều cơ quan liên quan, Thái Nguyên quyết định áp dụng phương pháp tính giá trị thặng dư để tính mức thuế đất phải nộp khi chuyển đổi Dự án Thái Hưng Eco City.

Về quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ dự án nhà máy luyện cán thép sang dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở, ông Luân cho biết, ngày 17/5/2018, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có phúc đáp văn bản số 1084/STNMT-QLĐĐ ngày 27/4/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó Công văn số 285-TTr-P2 của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu: “Đối với diện tích 21,44 ha do Công ty Thái Hưng đang trực tiếp sử dụng thì thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện theo quy định tại Điều 57, Luật Đất đai 2013. Đồng thời, không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm 1, Khoản 30, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nếu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất”…

Bổ sung dự án Thái Hưng Eco City vào kế hoạch thanh tra 2019

Ngày 12/8/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7143/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Thái Nguyên truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về dự án Thái Hưng Eco City.

Văn bản số 7143/VPCP-V.I nêu rõ, “xét báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên tại Văn bản số 17/BC-UBND ngày 30/1/2019 về kết quả kiểm tra, giải quyết các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của bà Vũ Kiều Oanh về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng Dự án khu tổng hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng, Thái Hưng Eco City.

Đồng thời, ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 365/BXD-TTr ngày 28/2/2019, Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 347/TTCP-C.I ngày 18/3/2019, Bộ Tư pháp tại Văn bản số 688/BTP-TTr ngày 4/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 3474/BTNMT-TTr ngày 19/7/2019. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau:

Thanh tra Chính phủ bổ sung nội dung thanh tra, xử lý các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của bà Vũ Kiều Oanh về việc thu hồi đất của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng Dự án khu tổng hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) tại phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thanh tra công tác quản lý, sử sụng đất đai, đầu tư xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý IV/2019”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về diễn biến mới này, ông Nguyễn Duy Luân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng cho biết, quyết định thanh tra liên quan đến quá trình cấp phép chuyển đổi của tỉnh Thái Nguyên, còn Thái Hưng luôn tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Liên quan đến vấn đề việc Thanh tra Chính phủ thanh tra dự án có ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng mua nhà tại dự án, cụ thể là những sổ đỏ đã được cấp và chuyển đổi cho khách hàng, ông Luân cho biết hoàn toàn không ảnh hưởng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhóm phóng viên
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục