Chuyện các mã vào - ra rổ VN30

(ĐTCK) Chỉ số VN30 được xem xét và điều chỉnh theo chu kỳ 6 tháng/lần (vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm). Danh mục VN30 hiện tại đang áp dụng sẽ có hiệu lực cho đến 25/1/2019 và sẽ được xem xét và có thể thay đổi ở kỳ tiếp theo. 
Chuyện các mã vào - ra rổ VN30

Tại kỳ điều chỉnh tháng 7 vừa qua, bộ chỉ số này đã loại ra 3 mã là BID, BVH và NT2. Thay vào đó, 3 mã cổ phiếu PNJ, VPB và VRE được thêm vào.

Sau khi được VN30 thêm bớt, diễn biến tại 6 mã chứng khoán trên có nhiều biến động đáng kể. Trong 3 mã bị loại ra, NT2 không có nhiều diễn biến đáng chú ý, nhưng BVH và BID lại có cú lội ngược dòng ấn tượng. Trong khi đó, ở 3 cổ phiếu mới thêm vào, cả VPB và VRE đều giảm đáng kể so với 6 tháng đầu năm.

Chuyện các mã vào - ra rổ VN30 ảnh 1

Danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2018  Từ 23/7/2018 đến 25/01/2019. 

Cổ phiếu mới giảm phong độ

Giai đoạn từ ngày 23/7 đến nay cũng là thời điểm cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận mức đáy lịch sử (phiên ngày 5/11, cổ phiếu VPB chạm mức 19.000 đồng/cổ phiếu). Với mức giá hiện tại, tính ra VPB đã giảm 18% từ khi được thêm vào rổ VN30.

Trong đà giảm này, Ban lãnh đạo VPBank và người nhà liên tục đưa ra những quyết định gom mua cổ phiếu. Đáng chú ý, sau phiên giao dịch ngày 15/11, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPB và mẹ là bà Vũ Thị Quyên đã đăng ký mua 21 triệu cổ phiếu VPB trong thời gian từ ngày 21/11 tới 20/12. Nhờ thông tin này, thị trường đã phản ứng tích cực hơn đẩy giá cổ phiếu VPB trở về mức 2x.

Để vào được VN30, các mã chứng khoán sẽ phải trải qua 3 bước sàng lọc về giá trị vốn hóa, free-float, thanh khoản. Bởi vậy việc lọt được vào danh sách “hàng chọn” này là sự khẳng định chất lượng của mã chứng khoán về cả thanh khoản lẫn giá trị.   

Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB đạt 6,13 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 57% kế hoạch năm. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), so với các năm trước, công ty con FE Credit ghi nhận tăng trưởng chậm hơn và đóng góp thấp hơn vào thu nhập hợp nhất của VPB.

Ngoài ra, tăng trưởng cho vay tiêu dùng chậm hơn do cạnh tranh gia tăng. Với việc tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong quý III/2018 chậm lại, NIM (biên lãi ròng) của VPB giảm gần 40 điểm cơ bản. Trong khi đó, nợ xấu hợp nhất đã tăng mạnh từ 3,4% vào cuối năm 2017 lên mức 4,7% vào cuối quý III/2018. Nợ xấu tăng nhanh ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Đối với FE Credit, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5,0% lên mức 6,4%.

Do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng đầu năm, VPB đã giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế cho cả ngân hàng mẹ và FE Credit.

Có diễn biến tương tự là cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail trong năm 2018. Kể từ khi chạm đỉnh vào phiên giao dịch ngày 22/1/2018 (57.900 đồng/cổ phiếu), VRE đã trải qua khoảng thời gian không có nhiều thuận lợi. Sau khi được thêm vào VN30, giá cổ phiếu này giảm một mạch từ mức trên 41.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 32.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 12/12, tương ứng mức giảm 78%.

Với tỷ lệ free float cao nhất trong 3 tân binh mới của VN30 (70%), PNJ là cổ phiếu có thị giá ổn định nhất. Tuy có diễn biến giá giảm từ khi gia nhập VN30, song đến nay, vốn hóa của VRE, VPB và PNJ vẫn đang duy trì nằm trong Top 30 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Chuyện các mã vào - ra rổ VN30 ảnh 2

Diễn biến giá một số cổ phiếu vào - ra rổ VN30. 

Rời VN30, BVH và BID "thăng hoa"

Từ thời điểm rời khỏi VN30, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt có giai đoạn tăng giá ngoạn mục từ 73.700 đồng/cổ phiếu lên hơn 102.000 đồng/cổ phiếu, gần trở về mức đỉnh đã đạt được hồi tháng 4/2018. Tương tự, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tăng giá mạnh mẽ gần 40% tính từ giữa tháng 7 đến nay.

Hiện tại, BVH và BID đều nằm trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn, thế nhưng trước đó, 2 cổ phiếu này bị loại khỏi rổ chỉ số VN30 do tỷ lệ free – float.

Nói về vốn hóa lớn, VHM  - CTCP Vinhomes đang đứng thứ 2 toàn thị trường về giá trị vốn hóa (tính đến 12/12/2018, vốn hóa của VHM đạt 268.965 tỷ đồng). Tuy nhiên do mới niêm yết vào ngày 17/5/2018 nên Công ty không được xét vào chỉ số VN30 kỳ 2/2018 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Tới kỳ điều chỉnh thứ nhất năm 2019, VHM đã có hơn 6 tháng niêm yết chính thức và đáp ứng được yêu cầu về thời gian giao dịch để đưa vào xem xét gia nhập bộ chỉ số VN30.

Để vào được VN30, các mã chứng khoán sẽ phải trải qua 3 bước sàng lọc về giá trị vốn hóa, free-float, thanh khoản. Bởi vậy việc lọt được vào danh sách “hàng chọn” này là sự khẳng định chất lượng của mã chứng khoán về cả thanh khoản lẫn giá trị.

Chỉ số VN30 đại diện cho hoạt động của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch thị trường nên chỉ số này mang tính chất mô phỏng thị trường cao, giúp nhà đầu tư định hướng và xây dựng danh mục đầu tư của riêng mình. Biến động của VN-Index cũng vì đó mà diễn biến tương đồng với VN30. Ngoài ra, bộ chỉ số này còn được dùng để phục vụ thị trường chứng khoán phái sinh.

Trong mỗi kỳ điều chỉnh, HOSE sẽ thay đổi danh mục, việc vào ra thường chỉ xoay quanh mức 2-3 cổ phiếu, không tạo nên biến động quá lớn cho rổ chỉ số. Cũng phải nói thêm, rổ chỉ số này được sàng lọc không lựa chọn theo tiêu chuẩn chất lượng kết quả kinh doanh, do đó việc bị loại ra khỏi VN30 không có nghĩa doanh nghiệp có vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại.

Nhiều cổ phiếu sau khi bị loaị ra khỏi VN30 vẫn tăng giá tốt và báo cáo lợi nhuận tích cực, nhưng cũng không thiếu cổ phiếu sau khi vào VN30 lại có mức giảm mạnh bởi tại thời điểm xem xét chỉ số, cổ phiếu đáp ứng được tất cả yêu cầu về vốn hóa, thanh khoản, free float, song thông tin không tích cực về kết quả kinh doanh, quản trị, dự án… sẽ tác động hàng ngày hàng giờ lên giá trị cổ phiếu.

Đây cũng là đặc điểm chung của hầu hết các bộ chỉ số hiện tại trên thị trường chứng khoán. Do đó, khi nghiên cứu mã chứng khoán, nhà đầu tư không chỉ nên dựa vào những cổ phiếu trong những bộ chỉ số này mà còn cần xem xét kỹ hơn đến hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế, về cả hiệu quả sản xuất kinh doanh lẫn quản trị, phát triển bền vững…        

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục