Việc bán nhà qua sàn giao dịch bất động sản không phải mới, mà được thực hiện từ cách đây gần chục năm, thậm chí nó đã được luật hóa trong Luật Kinh doanh bất động sản 2006 có hiệu lực từ 1/1/2007.
Sau khi Luật Kinh doanh bất động sản 2006 có hiệu lực, số lượng sàn giao dịch bất động sản mọc lên như nấm sau mưa, nhưng việc thực hiện theo kiểu “ép buộc” này lại không mang lại hiệu quả cao. Trong mắt các chủ đầu tư, các sàn giao dịch bất động sản không hề có vai trò gì, bởi dự án của họ làm đến đâu đều được bán hết đến đó, thậm chí khách hàng phải đặt cọc, bốc thăm mới có suất mua. Vì vậy, để đối phó với quy định của pháp luật, các chủ đầu tư bắt tay với các sàn thân quen, hoặc lập ra sàn giao dịch bất động sản của riêng mình để hợp thức hóa các hợp đồng góp vốn, mua bán.
Khi thị trường rơi vào giai đoạn “ngủ đông”, việc liên kết theo kiểu hình thức này không thể giúp các chủ đầu tư tìm kiếm khách hàng và giới thiệu dự án do thiếu đi “đội quân kinh doanh thiện chiến” và công nghệ đủ mạnh. Rất nhiều sàn thành lập theo phong trào sau đó cũng bị đào thải.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều sàn hoạt động bài bản, chuyên nghiệp vẫn “sống được” trong thời kỳ thị trường khó khăn và phát triển mạnh trở lại trong thời gian qua, như STDA, G5, EZ Việt Nam, Đất Xanh miền Bắc hay Hải Phát…
Việc tập trung đầu tư mạnh mẽ về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động marketing bất động sản, như công nghệ bản đồ, hình ảnh trực tuyến, video… hướng tới hỗ trợ người mua đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp cho người mua nhà có quyết định đúng đắn hơn, mà còn giúp gia tăng khả năng cạnh tranh cho dự án mà các sàn này phân phối.
Chính sự chuyên nghiệp này đã khiến nhiều chủ đầu tư phải chủ trương tính tới việc giao hẳn việc phân phối, bán hàng cho các sàn để tập trung chuyên tâm vào phát triển dự án.
Con số 90% tổng số giao dịch bất động sản trong 2 năm qua theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản tại 5 sàn giao dịch bất động sản chỉ tính riêng tại địa bàn Hà Nội là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc giao toàn bộ việc phân phối cho các sàn.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Tân Hoàng Minh cho biết, xu hướng chủ đầu tư giao việc bán hàng, giới thiệu dự án cho các nhà phân phối sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bởi hiện nay, khách hàng đã khó tính hơn, buộc chủ đầu tư phải toàn lực vào phát triển dự án để mang lại sản phẩm tối ưu cho các khách hàng, từ công đoạn quy hoạch, thiết kế, hoàn thiện thủ tục pháp lý, thi công... Nếu chủ đầu tư còn kiêm nhiệm thêm cả hoạt động bán hàng, sẽ không thể thực hiện nổi. Do đó, giải pháp khả thi là tìm kiếm đơn vị phân phối các sản phẩm cho mình.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, không phải đơn vị phân phối nào cũng được lựa chọn để hợp tác, mà phải lựa chọn các đơn vị có đội ngũ chuyên nghiệp mới đảm bảo cho các sản phẩm của mình đưa ra thị trường được đón nhận một cách rộng rãi, cũng như đảm bảo được uy tín của chủ đầu tư trong việc phát triển các dự án.
Thực tế cho thấy, để bán được sản phẩm bất động sản hiện nay không hề đơn giản, chưa nói đến thủ tục pháp lý, ngay khi muốn bán, không phải cứ rao là có thể kết nối được với người mua. Người môi giới phải là người thực sự có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và đặc biệt là giữ được phẩm chất đạo đức thì mới có thể giúp người mua tìm được chính xác những căn hộ mà họ mong muốn, cũng như giúp chủ đầu tư tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com