Chuyện biên độ giá

(ĐTCK-online) Từng có những ý kiến không đồng thuận với quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) “níu kéo” thị trường bằng biện pháp hành chính là giảm biên độ dao động giá. Sau khi biên độ hẹp (+/-) 1% với sàn HOSE và (+/-2)% đối với sàn HaSTC được áp dụng vào ngày 27/3 vừa qua, tình hình thị trường khả quan hơn đã khiến nhà đầu tư bình tâm hơn, nên “vòng kim cô” biên độ lại được nới ra thêm 1% vào ngày 7/4 với niềm tin rằng, thị trường sẽ ổn khi được trao lại quyền lực tự nhiên là tự điều chỉnh bởi cung và cầu.
Điều đáng quan ngại không phải là tốc độ sụt giảm của VN-Index, mà là sự sụt giảm của chỉ số lòng tin Điều đáng quan ngại không phải là tốc độ sụt giảm của VN-Index, mà là sự sụt giảm của chỉ số lòng tin

Tiếc là mọi việc chưa thể gọi là ổn. Ngân hàng vẫn đua nhau xử lý nhanh các cổ phiếu cầm cố, mối nguy cơ tiềm ẩn đối với sự sống còn của họ khi mà sức khỏe của chính hệ thống ngân hàng bị đe dọa bởi việc vung tay quá trán trong các khoản cho vay năm 2007 và chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn tiếp diễn. Ngoài ngân hàng, các tổ chức đầu tư và các cá nhân cũng ngày càng bi quan hơn về khả năng tìm lại mùa bội thu của chứng khoán. Càng tranh bán, thị trường càng đi vào cảnh bế tắc.

ĐHCĐ các công ty chứng khoán DVSC, SSI, HSC… mới đây cho thấy, các tổ chức lấy sự phồn thịnh của TTCK làm gốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008 sẽ khó mà khá hơn năm 2007, ít nhất là các kế hoạch kinh doanh của các DN trên đã tự lên tiếng. Vẫn có thể mọi việc sẽ tốt hơn dự đoán, nhưng lãnh đạo các DN tài chính đã chừa sẵn đường lui bằng một kế hoạch thận trọng.

Nhưng điều đáng quan ngại nhất trong những ngày gần đây không phải là tốc độ giảm của VN-Index. Sự sụt giảm chỉ số lòng tin của nhà đầu tư chưa được thống kê đầy đủ, nhưng cảm nhận từ thị trường cho thấy, chưa bao giờ sự tự tin của nhà đầu tư lại bị tấn công hàng ngày như hiện nay.

Phía các tổ chức tài chính, mức độ lạc quan nhất (dễ tìm được trong các báo cáo và các bản đánh giá thị trường) là những dự đoán cho việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ quý III/2008. Nhưng số đông nhà đầu tư cá nhân bi quan hơn, họ nhìn thấy một kịch bản của năm 2001 có thể lặp lại với thời gian hy sinh là 2 - 3 năm. Càng ngày thì kịch bản xấu này càng có vẻ thật hơn khi tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước trong tháng đầu tiên của quý II vẫn chưa lạc quan.

Trong tuần qua, phóng viên ĐTCK đã nhận được nhiều ý kiến từ nhà đầu tư, chuyên viên đầu tư của các quỹ, nhân viên của các CTCK… đề cập đến khả năng sử dụng lại biện pháp “cưỡng chế” thị trường bằng cách một lần nữa giảm biên độ dao động giá cổ phiếu. Có ý kiến cho rằng, biên độ của HOSE có thể chỉ là 0,5 % và 1% cho HASTC.

Nếu chỉ ở khía cạnh tiền bạc, biện pháp trên có lẽ không cần thiết, vì đúng ra TTCK phải là nơi có sức chơi, có sức chịu. Nhưng hoàn cảnh hôm nay của TTCK có lẽ vẫn chút hàm oan khi mà chính sách thắt chặt tiền tệ để lại nhiều tác dụng phụ và tình hình kinh tế vĩ mô chưa có thể đi vào ổn định trong nay mai.

Điều đáng lo ngại hơn là tình cảnh “ăn chưa no, lo chưa tới” của nhiều ngân hàng TMCP mới thành lập với khối tài sản thế chấp bằng chứng khoán đang giảm giá hàng ngày. Nếu không có biện pháp “cầm máu” thị trường để bình tĩnh giải quyết vấn đề trên thì không biết tình cảnh TTCK sẽ diễn biến như thế nào. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng gần đây đã nhìn nhận, TTCK Việt Nam đã rơi đến đáy, có khả năng hồi phục và sinh lợi khi tình hình kinh tế cuối năm 2008 lạc quan hơn. Vấn đề lớn nhất là, UBCK lúc này cần tính đến giải pháp làm sao để nhà đầu tư (cá nhân lẫn các ngân hàng TMCP) có thể đủ sức để chờ đợi được đến lúc đó.

Tâm Thiện
Tâm Thiện

Tin cùng chuyên mục