Chương trình du lịch nông thôn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị

0:00 / 0:00
0:00
Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Chương trình du lịch nông thôn đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Chương trình du lịch nông thôn đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Nguồn nội lực để tái đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn.

Do vậy, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (Chương trình du lịch nông thôn) giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của Chương trình du lịch nông thôn là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình du lịch nông thôn, các bộ ngành và địa phương đã đảy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn,...

Các địa phương đang đồng loạt ban hành kế hoạch triển khai. Trong đó, xác định phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, đã có 45/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM.

Tính đến hết tháng 6/2023, đã có 45/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM.
Tính đến hết tháng 6/2023, đã có 45/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM.

Đơn cử, Kế hoạch của TP. Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

TP. Cần Thơ còn đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá, 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn là điểm để đề xuất Bộ NNPTNT xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh này cũng lựa chọn thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang và bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê là 2 điểm để xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Còn tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hòa ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với kế hoạch đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các địa phương.

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Hà Giang đã đầu tư phát triển các mô hình du lịch theo tour, tuyến hay xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 16 làng được công nhận hoàn thành các tiêu chí làng văn hóa du lịch cộng đồng theo từng giai đoạn thực hiện.

Tiêu biểu như xây dựng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với tiêu chuẩn OCOP; làng văn hóa du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN đối với làng du lịch cộng đồng Nặm Đăm; đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng theo kiến trúc làng văn hóa truyền thống như Làng văn hóa Pả Vi, khu nghỉ dưỡng H Mông vilage, Nậm Hồng…

Tại đây, hệ thống kết cấu hạ tầng, điện chiếu sáng, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan, gìn giữ nét văn hóa truyền thống được triển khai một cách đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Cùng với đó, người dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ nét văn hóa, kiến trúc truyền thống bởi đó là những giá trị cốt lõi để một làng văn hóa thu hút du khách.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết: “Tỉnh Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả”.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, chỉ đạo các huyện, TP đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về phát triển du lịch nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị, phát triển bền vững.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Hà Giang Đỗ Tấn Sơn, hầu hết các làng văn hóa du lịch cộng đồng đều đạt tiêu chí nông thôn mới và là hình mẫu để các địa phương nhân rộng.

Ngược lại, từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình khác, các thôn vùng cao có tiềm năng về du lịch sẽ được tiếp sức, hỗ trợ để hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng, cảnh quan, môi trường, mở ra cơ hội phát triển du lịch.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trung bình mỗi năm, tỉnh đón khoảng 300.000 lượt khách đến trải nghiệm các loại hình du lịch cộng đồng. Nhờ đó, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đưa doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông thôn của tỉnh ước đạt 50 tỷ đồng/năm. Đây cũng chính là nguồn nội lực để tái đầu tư cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng tính trải nghiệm

Có thể nói, làm du lịch, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn. Nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng, làng xã được khôi phục, mở mang, trở thành sản phẩm du lịch. Cùng với đó là nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP... hình thành chuỗi sản phẩm du lịch khác biệt, tạo điểm nhấn đặc biệt trên hành trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.

Tour du lịch sông nước, tham quan miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp... là một trong những “đặc sản” của du lịch Đồng Tháp.
Tour du lịch sông nước, tham quan miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp... là một trong những “đặc sản” của du lịch Đồng Tháp.

Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, quá trình triển khai Chương trình du lịch nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc như: Sự chủ động của chính quyền địa phương, các ngành còn hạn chế, dẫn đến việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình còn chậm so với yêu cầu. Đây lại là một chương trình mới, lần đầu được triển khai đồng bộ, bài bản từ trung ương đến địa phương gắn với xây dựng NTM. Do đó, nhiều địa phương gặp khó khăn về tiếp cận, các bước tổ chức xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Để Chương trình phát triển du lịch nông thôn triển khai hiệu qủa hơn nữa, thời gian tới, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương sớm ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình. Đặc biệt, Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn cần phù hợp với các quy hoạch về kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học..., gắn với định hướng đầu tư về cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới và các sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng, miền.

Đối với các địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, đã có các Chương trình hoặc Đề án riêng của địa phương về phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn, Bộ NNPTNT đề nghị xem xét, xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình trên cơ sở lồng ghép các mục tiêu, giải pháp của các Chương trình hoặc Đề án đã có, nhằm mục tiêu xác định rõ mục tiêu tổng thể, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là công tác tổ chức triển khai thực hiện.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, cần xác định rõ đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về cách làm du lịch nông nghiệp, nông thôn; cơ hội để định hình lại, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và trùng lặp của du lịch nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.

Các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phải đặt cộng đồng là trung tâm, lấy cộng đồng là nền tảng để xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời tạo sự lan tỏa cho phát triển kinh tế địa phương.

Căn cứ danh mục mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đề nghị các địa phương có mô hình thí điểm sớm xây dựng Dự án/Kế hoạch xây dựng mô hình, bố trí nguồn lực và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Trong đó, cần tập trung xây dựng thiết kế tổng thể, cảnh quan mô hình du lịch nông thôn, làm định hướng để người dân, cộng đồng hình thành các sản phẩm du lịch và tổ chức quản lý du lịch hiệu quả, phù hợp với địa phương; Nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch theo yêu cầu của thị trường. Chủ động bố trí, lồng ghép nguồn lực, để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với kế hoạch đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

Đối với các địa phương không có mô hình thí điểm của Trung ương, đề nghị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu tại Quyết định 922/QĐ-TTg, trong đó mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn ít nhất 1 mô hình du lịch nông thôn để rà soát, xem xét và công nhận điểm du lịch nông thôn, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Nội dung mô hình cần chú trọng đến các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Rà roát các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 được phê duyệt. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM, trên cơ sở phát huy và khơi dậy tiềm năng tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, làng nghề, ẩm thực, văn hóa đa dạng…

Theo các doanh nghiệp du lịch, việc phát triển du lịch nông thôn cần tập trung tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách hàng.

Hạnh Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục