Theo ông, đâu là điểm mấu chốt nhất mà các chủ thể trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi?
Các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học.
Với Nhà nước, vấn đề mấu chốt có tính chất cấp bách hiện nay là phải khẩn trương đưa ra chiến lược, chủ trương, chính sách để có thể hình thành các mô hình sản xuất lớn. Các mô hình này có thể liên kết với nhau hoặc cùng hợp tác với doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất, giá thành hạ và tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và toàn cầu.
Nhà nước cần có những chủ trương cụ thể tạo hành lang pháp lý để quy luật cung - cầu phát huy tác dụng tối ưu; xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để hài hòa giữa cung và cầu đối với hàng hóa nông nghiệp cho tiêu dùng trong nước và kể cả xuất khẩu. Quy mô sản xuất từng loại cây, từng loại vật nuôi cần phải có kế hoạch khoa học chính xác. Việc quy hoạch phải hết sức khoa học và có thể quản lý được.
Nhà nước cần tham gia vào mối liên kết với vai trò hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời là người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên.
Hiện nay, các gói hỗ trợ cho vay để các chủ thể thụ hưởng chính là doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa triển khai thực sự hiệu quả trong thực tế. Cả doanh nghiệp và nông dân vẫn rất khó khăn trong hoạt động sản xuất và lưu thông phân phối, tồn trữ nông sản khi giá xuống thấp để điều tiết thị trường, đầu tư cơ sở vật chất để thay đổi công nghệ gia tăng năng suất, chất lượng.
Với các chủ thể khác thì sao, thưa ông?
Với chủ thể doanh nghiệp (quan trọng nhất là các doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản như trang trại, hợp tác xã), cần xây dựng quy trình theo tiêu chuẩn của mình, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào đúng chuẩn theo quy trình (loại bỏ những hóa chất có nguy cơ nhiễm bẩn cao trong nông sản) và thu mua toàn bộ nông sản của nông dân trong vùng liên kết của chính mình khi họ thực hiện đúng theo cam kết các bên.
Doanh nghiệp cần kết nối với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học công nghệ để đưa khoa học công nghệ về áp dụng trên vùng nguyên liệu của mình, giúp tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm giá thành và nâng tính cạnh tranh trên thị trường.
Lực lượng thương lái hiện nay ngày càng phát triển, Nhà nước nên có kế hoạch hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ để giúp họ nâng tầm vươn lên thành doanh nghiệp để đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi giá trị của từng ngành hàng.
Về phía nhà khoa học, bên cạnh việc nghiên cứu cơ bản để viết nhiều sản phẩm, công trình đạt chuẩn toàn cầu ra, nhà khoa học cũng nên dành thời gian chú trọng đến các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, hoặc mang các công nghệ mới về phục vụ cho doanh nghiệp và nông dân. Khi đó, nhà khoa học sẽ được trả thù lao thêm từ lợi nhuận của doanh nghiệp tăng thêm do hiệu quả của nghiên cứu ứng dụng và khoa học công nghệ mang lại trong thực tiễn.
Trong khi đó, nhà nông cần tổ chức sản xuất nghiêm túc theo đúng quy trình cam kết với doanh nghiệp. Tham gia các mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa các trang trại với nhau trong hợp tác xã để có khối lượng hàng hóa lớn chất lượng cao, nhằm cung cấp đáp ứng đúng quy chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến nông sản.
Là doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển chuỗi giá trị gạo bền vững, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm từ Tập đoàn Lộc Trời để giúp phát triển nhiều hơn nữa những doanh nghiệp đầu tàu trong việc phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản hiện nay?
Doanh nghiệp phải xác định rõ quyết tâm chia sẻ, hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi trong 2 lĩnh vực quan trọng nhất mà người nông dân thiếu vốn, kỹ thuật. Ví dụ hiện nay, Lộc Trời tiến hành ký hợp đồng sản xuất từng vụ, theo đó cung cấp vật tư cho nông dân hợp tác trong vùng nguyên liệu trong vòng 120 ngày không tính lãi bao gồm hạt giống lúa cấp xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ðến thời điểm thu hoạch, Công ty sẽ đảm bảo tiêu thụ với giá cả hợp lý cho người nông dân.
Giả sử, thời điểm một tuần trước khi thu hoạch, nếu giá thị trường biến động quá lớn thì hai bên thống nhất lại giá bằng cách cộng thêm hoặc trừ bớt phần chênh lệch ở mức 50%. Thí dụ, nếu giá đầu vụ ký 5.000 đồng/kg, nhưng lúc sắp thu hoạch, giá thị trường lên 6.000 đồng/kg thì Tập đoàn sẽ mua là 5.500 đồng/kg. Giá lúa giảm cũng tính bằng cách tương tự.
Vấn đề cấp bách hiện nay là phải khẩn trương đưa ra chiến lược, chủ trương, chính sách để có thể hình thành các mô hình sản xuất lớn.
Doanh nghiệp phải có lực lượng chuyên trách làm việc trực tiếp với nông dân để chuyển giao, huấn luyện kỹ thuật, giám sát quy trình sản xuất. Lộc Trời đã và đang xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật “Lực lượng 3 Cùng” để trực tiếp xuống đồng, ra vườn làm việc cùng bà con nông dân. Không những vậy, Lực lượng 3 Cùng còn chia sẻ, hỗ trợ các hoạt động văn hoá, tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, môi trường cho nông dân, nông thôn. Luôn giữ nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa các bên, đặc biệt là luôn ưu tiên cho đối tác (nông dân) hưởng lợi trước doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải xây dựng và tạo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị. Từ năm 2016, với mục tiêu nâng tầm quốc tế của sản phẩm, Lộc Trời đã có một bước phát triển mới khi tham gia Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform).
Diễn đàn toàn cầu này do Quỹ Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) thành lập vào năm 2011 và đến nay có trên 83 thành viên khắp thế giới nhằm thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu, sản xuất, cơ chế chính sách, buôn bán và tiêu dùng nhằm mục đích sản xuất lúa gạo bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Hai đơn vị Việt Nam tham gia là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Lộc Trời. Kể từ vụ hè thu 2018, SRP đã kết hợp với dự án viễn thám Sat4Rice được mở rộng trên toàn 100% địa bàn vùng nguyên liệu của Lộc Trời. Trong vụ hè thu năm 2018, số nông dân áp dụng SRP kết hợp với viễn thám Sat4Rice tổng cộng là 3.518 hộ, với diện tích gieo trồng 10.836 ha.
Trong việc thực hiện chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, Tập đoàn Lộc Trời cùng phối hợp với lãnh đạo cơ quan ban ngành để thành lập ra Ban điều hành Cùng nông dân ra đồng các tỉnh. Ngoài ra, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang thực hiện Ðề án Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tháng 7/2017, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xã hội hóa chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường. Dưới sự chủ trì của Cục Bảo vệ thực vật, chương trình Cùng nông dân được mở rộng trên phạm vi 22 tỉnh, thành phía Nam.
Bên cạnh đó, Lộc Trời còn hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện nhiều dự án trong nông nghiệp như Mô hình canh tác hồ tiêu bền vững theo hướng sinh học, mô hình phòng chống rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa. Hiện tại, hai bên đang tiếp tục xúc tiến thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ giai đoạn 2019 - 2021.
Ông có những đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ để phát triển những doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt các chuỗi sản xuất nông, lâm thuỷ sản theo yêu cầu của thị trường?
Nhà nước cần xây dựng các đề án cụ thể cho những ngành hàng chủ lực, để từng ngành hàng Việt Nam có thể vươn lên ở Top 1 - 5 về cả sản lượng, chất lượng, giá trị và lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu, đóng góp xứng đáng vào GDP của cả nước.
Về ngành hàng lúa gạo, sản phẩm quốc gia về lúa gạo thì gạo trắng hạt dài chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, đối với gạo thơm thì giá bán của chúng ta rất kém, chỉ khoảng 600 USD/tấn, trong khi giá bán trung bình của các nước Ấn Ðộ, Thái Lan và Pakistan là 1.000 USD/tấn. Nhà nước nên có đề án tổng thể, chiến lược lâu dài trong phát triển dòng gạo thơm. Có thể lấy giống Lộc Trời 28 và giống ST 24 làm chiến sĩ tiên phong trong đẩy mạnh phát triển gạo thơm trên thị trường toàn cầu.
Xin nói thêm, giống gạo thơm Lộc Trời 28 vừa qua đạt giải gạo thơm ngon nhất tại Hội nghị Thương mại Gạo Ðại Lục - Quảng Ðông, Trung Quốc, vượt qua cả Hom Mali của Thái Lan, Sen Krop của Campuchia. Phấn đấu trong vòng khoảng 5 năm, giá gạo thơm trung bình của Việt Nam lên mức 900 - 1.000 USD/tấn.
Hiện nay, số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất thấp. Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa, khích lệ càng nhiều càng tốt đầu tư về những vùng sản xuất trọng điểm của những cây trồng chủ lực, vật nuôi chủ lực, để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.