Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh: Ai chờ, chờ ai?

Muốn có được các kết quả dự kiến, cả dự án khai thác khí mỏ Cá Voi Xanh và các dự án điện sử dụng nguồn cấp khí này phải được phối hợp nhịp nhàng trong triển khai để tránh tình trạng nhà máy điện đầu tư xong lại chờ khí, hay khí vào bờ mà chưa có hộ tiêu thụ.
Trung tâm Điện lực Dung Quất sẽ có tổng cộng 3 nhà máy, với tổng vốn đầu tư 3,34 tỷ USD. Trung tâm Điện lực Dung Quất sẽ có tổng cộng 3 nhà máy, với tổng vốn đầu tư 3,34 tỷ USD.

Điện cấp tập

Bộ Công thương vừa công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung - địa điểm Trung tâm Điện lực Dung Quất, với việc bổ sung Nhà máy Điện Dung Quất 3 có quy mô 750 MW, bên cạnh 2 nhà máy đã được lên kế hoạch trước đó. Như vậy, Trung tâm Điện lực Dung Quất sẽ có tổng cộng 3 nhà máy, gồm: Dung Quất 1, Dung Quất 3 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư và Dung Quất 2 do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đầu tư theo hình thức BOT.

Ba dự án trên và hạ tầng dùng chung của Trung tâm Điện lực Dung Quất có tổng mức đầu tư khoảng 3,34 tỷ USD. Ngoài ra, Trung tâm Điện lực Dung Quất cũng dự phòng diện tích để phát triển thêm 1 nhà máy có công suất 750 MW. Theo mục tiêu hiện nay, Dung Quất 1 sẽ vào vận hành trong năm 2023, Dung Quất 2 vào vận hành năm 2024 và Dung Quất 3 vào vận hành năm 2024 - 2026.

Ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, 3 nhà máy điện nêu trên có sản lượng trung bình hàng năm trên 13 tỷ kWh, sẽ góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung nói riêng và truyền tải cung cấp cho miền Nam thông qua hệ thống đường dây truyền tải 500 kV.

Ở thời điểm tháng 2/2019, Dung Quất 1 và Dung Quất 3 đã trình Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) tới Thủ tướng Chính phủ và đang trong quá trình thẩm tra để thông qua quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Báo cáo khả thi (FS) của 2 dự án này cũng đang được lập. Đối với Dung Quất 2, Bộ Công thương đã phê duyệt hồi tháng 11/2018.

Hai dự án điện khác có quy mô 750 MW/nhà máy, sử dụng nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư cũng đã nộp Pre FS lên Thủ tướng Chính phủ để xin phê duyệt hồi tháng 9/2018.

Theo các chuyên gia, nhà máy tua-bin khí nếu triển khai nhanh chỉ mất hơn 3 năm để hoàn tất đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, phải có khí đầu vào để tiến hành các thử nghiệm trước khi nghiệm thu chính thức và đi vào vận hành thương mại.

Dự án khí dốc sức

Trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam ngày 1/3/2018, Ban Khai thác Dầu khí thuộc PVN cho hay, các đơn vị liên doanh đã hoàn tất thiết kế tổng thể, dự kiến khởi động Dự án Khí Cá Voi Xanh vào năm 2019. Theo kế hoạch, cuối năm 2023 sẽ đưa dòng khí đầu tiên vào bờ. Hiện các đơn vị đã hoàn tất khảo sát địa vật lý, khảo sát môi trường nền ngoài khơi tại vị trí dự kiến đặt giàn khoan và các vị trí đường ống dẫn khí đi qua; đang tiếp tục khảo sát trên bờ để lập quy hoạch, báo cáo đầu tư dự án.

Dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh sẽ dựng một giàn xử lý trung tâm (ngoài khơi lô 118, thuộc bể Sông Hồng thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách Quảng Nam khoảng 90 km) đấu nối hệ thống thu gom khí với 2 đường ống ngầm song song đưa khí và condensate (hỗn hợp hydrocarbon lỏng) về bờ và được xử lý tại nhà máy đặt tại huyện Núi Thành, thay vì trên giàn, sau đó cung ứng cho các nhà máy điện nói trên.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, Quảng Nam đã quy hoạch 1.000 ha đất (160 ha cho Exxon Mobil, 200 ha cho nhà máy điện khí…). Khi nhà đầu tư công bố quy hoạch, khởi động Dự án, tỉnh sẽ giải tỏa và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Con số được các bên nhắc tới trong thời gian qua là, với vòng đời của dự án 25 năm, tổng doanh thu của toàn tổ hợp điện - khí Cá Voi Xanh sẽ khoảng 60 tỷ USD (doanh thu từ khí 30 tỷ USD, doanh thu từ điện là 30 tỷ USD), trong đó đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 24 tỷ USD.

Lạc quan về những con số trên, nhưng các chuyên gia có kinh nghiệm cũng cho rằng, muốn có được các kết quả như vậy, cả dự án khai thác khí và các dự án điện phải được phối hợp nhịp nhàng trong triển khai để tránh tình trạng nhà máy điện đầu tư xong lại chờ khí, hay khí vào bờ mà chưa có hộ tiêu thụ.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, hiện Bảo lãnh Chính phủ (GGU) cho Dự án khí Cá Voi Xanh vẫn chưa được ký chính thức và dĩ nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án liên quan so với kế hoạch mong đợi.

Dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh:

Do ExxonMobil (sở hữu 64% cổ phần trong hợp đồng phân chia sản phẩm) làm nhà điều hành, có tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD, vòng đời khoảng 25 năm.

Ngày 13/1/2017, PVEP thuộc PVN đã cùng Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh.

Tháng 11/2017, tại Hội nghị Doanh nhân APEC 2017, ông Liam Mallon, Chủ tịch Exxon Mobil Development cho biết, Dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục cũng như các điều kiện kỹ thuật trong năm 2018, dự kiến được đưa vào khai thác năm 2019.

Ngày 15/6/2018, ký Thỏa thuận nguyên tắc Bảo lãnh Chính phủ (GGU).

Theo kế hoạch hiện nay, cuối năm 2023 sẽ đưa dòng khí đầu tiên vào bờ.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục