Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vững vàng trong gian khó

(ĐTCK) Năm 2018, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vào ngày 23/11/2018 - về đích sớm 38 ngày, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức và bất lợi từ thị trường. Trong 11 tháng đầu năm 2018, BSR sản xuất 6,4 triệu tấn sản phẩm; đạt doanh thu hơn 103 nghìn tỷ đồng, vượt 32,9% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 5.179 tỷ đồng. 
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vững vàng trong gian khó

Sau 8 năm vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 7 tỷ USD, gấp 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu. 

Đáng chú ý, kết quả tiết kiệm chi phí 11 tháng của BSR ước đạt hơn 824 tỷ đồng, vượt 70,7% kế hoạch năm. Trong đó, chương trình tối ưu hóa năng lượng đạt kết quả cao, chỉ số năng lượng EII trung bình là 103,4%; đã có 6 giải pháp được triển khai thành công, giúp BSR tiết kiệm khoảng 1,9 triệu USD/năm.

BSR đang triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm lựa chọn được nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm thấp hơn, trong khi giá thành vẫn tính theo giá thị trường. Ngoài ra, nhà máy sau khi nâng cấp, mở rộng sẽ nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm như dầu DO, JET-A1 và thêm sản phẩm mới là nhựa đường. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2021, nâng công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm (tăng 2 triệu tấn/năm).

Năm 2022, cộng với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tổng công suất chế biến của BSR ước đạt 392.000 thùng/ngày, tổng sản lượng đạt 18,5 triệu tấn, chiếm 85 - 90% nhu cầu xăng dầu trong nước. 

Hiện hầu hết các sản phẩm xăng dầu của BSR đáp ứng tiêu chuẩn Euro II, riêng xăng A95 đáp ứng tiêu chuẩn Euro III. Công ty sẽ nâng tiêu chuẩn sản phẩm lên Euro V sau khi nâng cấp, mở rộng nhà máy. Điều này mang lại lợi thế lớn cho BSR, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các dòng xe ô tô, mô tô theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng khoảng 445 tỷ m3 dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023 với sản lượng trung bình giai đoạn đầu khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau khi mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu 1,6 - 1,7 tỷ m3/năm. 

Công nghệ lọc dầu hiện đại ngày nay có thể sử dụng khí Cá Voi Xanh thay thế nguyên liệu LPG/Naphtha tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho sản xuất Hydro phục vụ cho nhà máy sau nâng cấp, mở rộng và làm khí nhiên liệu cho nhà máy để giảm chi phí giá thành.

Hơn nữa, tận dụng thành phần Carbon trong CO2 (vốn có nhiệt trị cháy bằng 0) trong khí Cá Voi Xanh sẽ rất thích hợp cho phản ứng tổng hợp Methanol. Tiếp theo, Methanol sẽ được chuyển hóa thành Olefins (Ethylene/Propylene) qua công nghệ MTO/MTP và từ đó sản xuất các sản phẩm hóa dầu tiềm năng (như PP, PE). 

Lợi nhuận hóa dầu ổn định ở mức cao hơn lợi nhuận lọc dầu, do đó, để kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm rủi ro và tăng lợi nhuận, xu hướng tích hợp tối đa với hóa dầu từ các sản phẩm lọc dầu cũng như tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu sẵn có là cần thiết. Việc kết hợp và tích hợp khí Cá Voi Xanh vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tạo thành Trung tâm lọc hóa dầu lớn ở khu vực Miền Trung. 

Cuối năm 2016, BSR ký kết hợp tác với Hãng tư vấn Boston Consulting Group - BCG của Mỹ về việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong năm 2017, BCG đã cử các chuyên gia tư vấn đến khảo sát hiện trạng tại nhà máy. Theo đó, BCG khẳng định, chương trình tăng trưởng giá trị đề xuất cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất được triển khai thành công có thể đạt biên lợi nhuận 65 - 110 triệu USD.

Đức Chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục