“Chứng trường” Mỹ sẽ có nhiều biến động

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh mới, đang bị thu mua quá mức sau các đợt tăng giá gần đây và đứng trước nguy cơ điều chỉnh.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trên đà tăng thường khiến giá cổ phiếu giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trên đà tăng thường khiến giá cổ phiếu giảm.

Lợi suất trái phiếu tăng vọt

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt trong tuần qua trước sự lạc quan về gói kích thích kinh tế của Mỹ và những tiến triển trong việc sản xuất vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Điều này kéo theo giá chứng khoán tăng mạnh, chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới.

Thực tế này khiến giới phân tích tài chính Mỹ lo ngại sắp có một đợt điều chỉnh, bởi giá chứng khoán không thể liên tục tăng trong một thời gian dài. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trên đà tăng thường khiến giá cổ phiếu giảm.

Nhà phân tích Wilson của Morgan Stanley nhận định: “Thị trường đang ở vùng quá mua và bị định giá quá cao. Vậy nhưng, mọi người không để ý rằng, lãi suất đang có chiều hướng tăng và bắt kịp nhịp với chứng khoán. Rủi ro chính trên thị trường là lợi suất trái phiếu 10 năm cuối cùng cũng bắt kịp nhịp thị trường, do đó, chúng tôi phải định giá lại cổ phiếu - vốn tăng giá nóng trong thời gian dài”.

Dù vậy, cổ phiếu được bán ra sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới. “Mọi sự điều chỉnh đều sẽ có lợi, bởi vì tôi cũng có thể rót thêm vốn đầu tư”, Wilson nói.

Doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị loại khỏi sàn

Một động thái được giới đầu tư đang trao đổi, tranh cãi lớn là trong tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài, có thể khiến hàng loạt công ty Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn như Alibaba và Baidu, bị “đá” ra khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Dự luật được ủng hộ mạnh mẽ tại Hạ viện sau khi dễ dàng đạt được sự chấp thuật của Thượng viện vào đầu tháng 5. Đạo luật dự kiến sẽ được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, như là một biện pháp trả đũa kinh tế Bắc Kinh.

Theo dự luật, nếu một công ty nước ngoài không vượt qua được cuộc kiểm toán của Uỷ ban Giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB) trong ba năm liên tiếp, công ty đó sẽ bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ.

Hàng loạt công ty Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, có thể bị loại khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ các quy tắc kiểm toán của nước này.

Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng khả năng tiếp cận thị trường vốn của Mỹ để huy động các nguồn lực khổng lồ cho sự lớn mạnh và bành trướng của họ (các doanh nghiệp Mỹ cũng đã có những đợt huy động vốn thành công vang dội và thị trường chứng khoán Mỹ trở thành kênh dẫn vốn đem lại lợi ích vượt dự đoán).

Nhiều nghị sĩ Mỹ than phiền rằng, luật pháp đã bị các công ty Trung Quốc phớt lờ, chủ động áp đặt luật chơi lên các công ty Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ. Vì thế, họ đã tạo áp lực để Hạ viện và Thượng viện cùng thống nhất đệ trình dự luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài tới Tổng thống.

Nhưng trong kỷ nguyên của tiền rẻ, các nhà đầu tư đều chưa có động thái phản ứng với sự thay đổi chính sách này. Chứng khoán Trung Quốc và giao dịch của các công ty tại Đại lục hầu như không có biến động mạnh trong các phiên giao dịch cuối tuần qua.

Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh là phản đối việc chính trị hóa các quy định chứng khoán theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Họ cho rằng, việc này sẽ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư cũng như vị thế của thị trường vốn và ảnh hưởng đến lợi ích của chính nước Mỹ.

Viện cớ về những vụ đầu tư lừa đảo

Khúc mắc chính hiện nay là các công ty Trung Quốc từ lâu không sử dụng dịch vụ kiểm toán của các công ty kiểm toán Mỹ. Họ viện cớ về những vụ bê bối như tại Enron trước đây để nêu ra rằng, việc thận trọng này nhằm mục đích ngăn chặn gian lận, có thể gây hại cho các nhà đầu tư.

Theo dự luật, ngoài việc cho phép PCAOB được soát xét lại báo cáo kiểm toán, các công ty Trung Quốc còn phải cam kết họ đang tuân thủ sự kiểm soát và các quy định của Chính phủ Mỹ trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Một số nhà phân tích Phố Wall cho rằng, việc soát xét lại sức khỏe tài chính thông qua công tác kiểm toán sẽ phần nào giúp bảo vệ những khách hàng có thể đã bị “lừa bịp” sau khi bỏ vốn vào các công ty Trung Quốc mà không tuân theo những quy định chung như các công ty khác.

Quy định mới sẽ giúp chỉnh sửa những lỗ hổng, đảm bảo tất cả các công ty trên sàn giao dịch đều phải tuân thủ luật chơi chung.

Theo ông Jay Clayton, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, quy định mới sẽ giúp đem lại sự công bằng cho tất cả các nhà phát hành trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông này nhận định, Mỹ sẽ có những động thái khác nhằm giúp giải quyết các vấn đề dai dẳng và vì lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ.

Thực tế, bất chấp việc các thanh tra tài chính Mỹ không được soát xét báo cáo kiểm toán các công ty Trung Quốc, nhiều năm qua, các công ty vẫn được phép đưa cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, vì hoạt động này mang lại lợi nhuận lớn cho các sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.

Tính đến cuối năm 2019, có hơn 150 công ty Trung Quốc, với tổng giá trị 1.200 tỷ USD, đã niêm yết và đăng ký giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trong năm 2020, nhiều công ty Trung Quốc tiếp tục phát hành cổ phiếu và lên sàn chứng khoán Mỹ.

Xu hướng chuộng thị trường Mỹ có thể bị đảo ngược nếu dự luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài, thực chất là nhắm vào các công ty Trung Quốc, được Tổng thống ký ban hành.

Khi đó, các công ty Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng giao dịch sang các sàn chứng khoán khác như Hồng Kông - nơi mà các điều kiện và “thái độ” có vẻ “dễ chịu”. Nhà đầu tư Mỹ cũng không bị ảnh hưởng gì bởi họ vẫn có thể mua cổ phiếu của các công ty này.

Về phần mình, các doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện thái độ mềm mỏng hơn. Giám đốc tài chính Alibaba, ông Maggie Wu, trong một cuộc họp báo đã khẳng định, Công ty sẽ nỗ lực tuân thủ luật nhằm đem lại sự minh bạch cho các nhà đầu tư trên các sàn giao dịch Mỹ.

Linh Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục