Giới đầu tư háo hức chờ đợi gói kích thích kinh tế mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall trải qua phiên giao dịch biến động mạnh vào ngày thứ Năm (3/12).

Giới đầu tư háo hức chờ đợi gói kích thích kinh tế mới

Đầu ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ nhận được trợ lực mạnh mẽ từ báo cáo thật nghiệp hàng tuần do bộ lao động Mỹ công bố. Cụ thể, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần trước là 712.000 người, thấp hơn so với con số 780.000 được dự báo trước đó. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp này cũng đạt mức thấp trong thời đại dịch khi thị trường lao động cho thấy khả năng phục hồi ngay cả khi đối mặt với tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao. Trước khi dịch bệnh làm tê liệt nền kinh tế Mỹ hồi tháng Ba, con số trung bình người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần chỉ vào khoảng 225.000 người.

Trong khi đó tại Washington, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã có cuộc điện đàm vào ngày thứ Năm để tìm cách đạt được một thỏa thuận kích thích kinh tế.

Sau cuộc gọi, ông McConnell tuyên bố, Quốc hội đang đó những chuyển biến tích cực và gói kích thích hoàn toàn có thể được thoả hiệp, song ông không tiết lộ chi tiết về thời điểm các biện pháp có thể được thông qua.

Các nhà đầu tư háo hức chờ đợi tiến độ của cuộc đàm phán về gói kích thích vì giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi kinh tế vào tới phụ thuộc nhiều vào nó.

Đà tăng của chứng khoán Mỹ bị chặn vào cuối phiên, các chỉ số chứng khoán của Mỹ rời đỉnh thiết lập được trong phiên sau khi hãng dược Pfizer thông báo, họ dự kiến ​​chỉ xuất xưởng một nửa số vắc-xin đã lên kế hoạch phân phối trong năm nay. Tuy nhiên, hãng dự kiến ​​sẽ tung ra hơn một tỷ liều vào năm tới.

Theo Wall Street Journal, Pfizer cho biết, các vấn đề mà hãng gặp phải liên quan đến chuỗi cung ứng và một số lô hàng nguyên liệu thô đầu tiên cho vắc-xin không đạt tiêu chuẩn.

Về các dữ liệu kinh tế khác, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã giảm xuống 55,9 điểm trong tháng 11 từ mức 56,6 điểm trong tháng 10, mức giảm trên nhiều hơn dự kiến ban đầu của các chuyên gia, theo Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM).

Trong khi đó, các trường hợp Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng. New York Times cho biết, Đã có 199.988 trường hợp nhiễm mới và ít nhất 2.885 người chết vào hôn thứ Tư (2/1), kỷ lục ghi nhận được trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngoài ra, hiện có 100.226 bệnh nhân Covid-19 đang chữa trị tại các bệnh viện.

Sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm đã khiến Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti phải gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi người dân ở nhà.

“Nếu nó không cần thiết, đừng làm gì cả. Đừng gặp gỡ những người khác bên ngoài nhà mình. Không tổ chức một cuộc tụ họp. Không tụ tập”, ông Garcetti cảnh báo.

Kết thúc phiên 3/12, chỉ số Dow Jones tăng 85,73 điểm (+0,29%), lên 29.969,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,29 điểm (-0,06%), xuống 3.666,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 27,82 điểm (+0,23%), lên 12.377,18 điểm.

Chứng khoán châu Âu gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng theo dõi tiến trình thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu. Các quan chức EU cho biết vẫn còn những khoảng cách đáng kể trong ba vấn đề chính tại các cuộc đàm phán.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,88 điểm (+0,42%), lên 6.490,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 60,38 điểm (-0,45%), xuống 13.252,86 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 8,65 điểm (-0,15%), xuống 5.574,36 điểm.

Tâm lý thận trọng cũng được nhìn thấy tại thị trường chứng khoán châu Á phiên ngày thứ Năm. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ nhờ tin tức các nước lớn tiến gần hơn đến tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do căng thẳng mới giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn và loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi phố Wall.

Kết thúc phiên 3/12, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 8,39 điểm (+0,03%), lên 26.809,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,24 điểm (-0,21%), xuống 3.442,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 195,92 điểm (+0,74%), lên 26.728,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,32 điểm (+0,76%), lên 2.696,22 điểm.

Vàng vẫn duy trì mức tăng giá ổn định nhờ sự hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu cùng hy vọng vào bước đột phá trong các cuộc đàm phán xung quanh gói kích thích tài chính bổ sung tại Quốc hội Mỹ.

Kết thúc phiên 3/12, giá vàng giao ngay tăng 10,5 USD (+0,57%), lên 1.841,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay tăng 10,90 USD (+0,60%), lên 1.841,1 USD/ounce.

Giá dầu thô Brent duy trì đà tăng trong phiên ngày thứ Năm, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 nhờ những hy vọng xung quanh gói kích thích kinh tế bổ sung của Mỹ và sau OPEC+ nhất trí chỉ tăng sản lượng ở mức khiêm tốn 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021.

Sau cuộc họp hôm qua, OPEC và Nga cùng các đồng minh đã đạt được thoả thuận từ 1/1/2021 sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, giảm nhẹ so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày trong thoả thuận hiện tại có hiệu lực đến hết năm nay. OPEC+ dự kiến ​​sẽ kéo dài các đợt cắt giảm này cho đến ít nhất là tháng 3 năm sau.

Kết thúc phiên 3/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,36 USD (+0,8%), lên 45,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,46 USD (+1,0%), lên 48,71USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục