Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho rằng, sẽ rất khó khăn để một mình ai đó thay đổi được thế giới, nhưng nếu có đội ngũ bên cạnh thì không gì là không thể. Tân Hiệp Phát chào đón những người đồng tâm, với mong muốn xây dựng một đội ngũ hỗ trợ cho tầm nhìn của mình.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đại chúng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phải có thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị các DN này. Ở vị thế của DN tư nhân tầm cỡ tỷ USD, Tân Hiệp Phát có mong muốn đến giai đoạn nào đó sẽ rộng cửa đón thêm nhà đầu tư để trở thành công ty đại chúng và quản trị theo một mô hình mới, thưa bà?
Năm 1992, sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã khiến các hoạt động kinh doanh khởi sắc. Năm 1994, nền kinh tế kế hoạch của Việt Nam đã mở rộng đường đáng kể đối với việc thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Năm 1995, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận sau 20 năm, cho phép Việt Nam mở cửa giao thương bình thường với bạn bè quốc tế. Các doanh nhân tự tin vào việc tái đầu tư lợi nhuận của mình vào những dự án dài hạn. Đây cũng là thời điểm Tân Hiệp Phát chính thức ra đời.
Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát hướng đến việc đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội bằng cách xây dựng các thương hiệu giải khát hàng đầu quốc gia. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.
Để làm được điều này, trong công tác quản trị, chúng tôi áp dụng các công cụ quản trị chuẩn mực quốc tế, như đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý cao cấp E.R.P, hệ thống báo cáo, hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 : 2000, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 : 2004 và HACCP do cơ quan quốc tế DET NORKE VERITAS (Hà Lan) cấp; hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP…, song song với việc xây dựng tinh thần làm chủ trong công việc của tất cả nhân viên. Suy nghĩ và hành động như thể ai cũng đều đang nắm cổ phần trong Công ty, chính là công thức hoàn hảo để xây dựng nên một văn hoá trách nhiệm và làm chủ.
Bà Trần Uyên Phương,
Tân Hiệp Phát là một tập đoàn gia đình, nhưng Hội đồng quản trị có sự tham gia của thành viên HĐQT độc lập, với vai trò giám sát độc lập về tài chính cũng như các hoạt động khác.
Trong quan điểm của chúng tôi, bất cứ ai yêu Tân Hiệp Phát và mong muốn chung tay cùng với chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những công ty hàng đầu ở Đông Nam Á, đều có thể gia nhập Tân Hiệp Phát.
Tôi luôn mong muốn có thể xây dựng một đội ngũ để hỗ trợ cho tầm nhìn của mình. Sẽ rất khó khăn để một mình ai đó thay đổi được thế giới, nhưng nếu có đội ngũ bên cạnh thì không gì là không thể. Một đội ngũ sẽ giúp nâng cao khả năng làm chủ bất cứ thử thách nào.
Từng được tu học tại một số trường danh tiếng nhất thế giới về quản trị doanh nghiệp, khi trở về Việt Nam và thực tế tham gia vào quản trị Tân Hiệp Phát, bà cảm nhận như thế nào trong việc áp dụng những nguyên tắc quản trị hiện đại vào một DN hoạt động trong môi trường Việt Nam?
Tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt với vấn đề phải dựa vào quản lý dài hạn nếu muốn đạt được mục tiêu mình đề ra, nhưng lại phải quản lý ngắn hạn trên hành trình đó. Vì vậy, áp dụng các nguyên tắc quản trị để hài hòa các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để đạt được mục tiêu của tổ chức là một thách thức đối với bất kỳ nhà quản trị doanh nghiệp nào.
Việc áp dụng những nguyên tắc quản trị hiện đại vào DN hoạt động trong môi trường Việt Nam gặp những vấn đề khó khăn nhất định. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nội lực của chính doanh nghiệp, hoặc cũng có thể từ các nguyên nhân khách quan do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện hay tồn tại một số điều kiện kinh doanh gây cản trở chưa tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động.
Nếu được chọn lại giai đoạn của năm 2014, như bà từng chia sẻ trong cuốn sách Chuyện nhà Dr. Thanh, bà/Công ty sẽ ứng xử như thế nào để vượt qua 3 khủng hoảng cùng lúc: khủng hoảng về mất tiền/về sản phẩm bị dư luận tẩy chay/về sức khỏe người lãnh đạo?
Tôi luôn mong muốn có thể xây dựng một đội ngũ để hỗ trợ cho tầm nhìn của mình. Sẽ rất khó khăn để một mình ai đó thay đổi được thế giới, nhưng nếu có đội ngũ bên cạnh thì không gì là không thể
Ai cũng có thể gặp thất bại nhưng đằng sau mỗi thất bại đều có những bài học được rút ra, vấn đề là chúng ta có học được điều gì đằng sau thất bại ấy không. Thành công lớn đi kèm với rủi ro cao, đó là cách người sáng lập Tân Hiệp Phát (ba tôi - Trần Quí Thanh) lý giải mọi chuyện. Thành công lớn chỉ đến khi thuyền căng buồm tiến ra biển lớn. Không có thành công nào đến nếu thuyền chỉ mãi ở lại con sông. Và khi con thuyền đã ở trên biển lớn, không có gì đảm bảo rằng, bão tố sẽ không nhấn chìm nó. Thách thức ở đây là làm thế nào để điều khiển con thuyền khi giông bão kéo về.
Năm 2014, gia đình Tân Hiệp Phát đã phải đối mặt với hàng loạt biến cố. Đó cũng là năm để tôi chiêm nghiệm và trưởng thành rất nhiều. Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Truyện nhà Dr. Thanh” để tìm hiểu và cảm nhận.
Điều giúp chúng tôi vượt qua khủng hoảng, đó là chúng tôi luôn kiên định nỗ lực không ngừng nghỉ từng ngày, từng giờ thực hiện sứ mệnh của Tập đoàn: cung cấp cho khách hàng sản phẩm có lợi cho sức khỏe với chất lượng Quốc tế. Chúng tôi đã mạnh dạn minh bạch thông tin, mở cửa Nhà máy để chính khách hàng là người thẩm định và đánh giá.
Đặc biệt, với nền tảng giá trị cốt lõi được xây dựng vững chắc cùng sự đoàn kết đồng lòng của tất cả mọi người tại Tân Hiệp Phát , không chỉ là các thành viên trong gia đình mà còn cả của nhân viên và đối tác đã tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin, sức mạnh để bình tĩnh đón nhận và xử lý từng vấn đề, vượt qua bão tố để bước tiếp.
Xin bà chia sẻ khát vọng phát triển Tân Hiệp Phát? Theo bà, kiến thức học được từ Nhà trường hay kinh nghiệm thương trường mà người sáng lập trao truyền - là quan trọng hơn, trong việc giúp bà tiếp nhận và thực thi sứ mệnh đưa Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn?
Bằng với việc đưa thêm nhiều nhà máy đi vào hoạt động như Nhà máy Number 1 Hà Nam, Nhà máy Number 1 Chu Lai…, chúng tôi mong đợi sẽ cung cấp đủ nhu cầu sản phẩm cho thị trường. Chúng tôi sẽ bước ra sân chơi lớn hơn là vươn tầm châu Á và đang nỗ lực để đến năm 2030, con số này sẽ là 3 tỷ USD. Thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng lắm, chúng tôi có thể làm được. Chúng tôi muốn định hình rõ nét vị thế của một công ty tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Thực tế là một trường học lớn nhất. Trường học là nơi đào tạo tốt nhất về khả năng phân tích, nhưng việc thực hành, kiểm soát và đạt mục tiêu thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, mà theo tôi quan trọng nhất vẫn là thái độ. Tôi học ở ba tôi thái độ đối với cuộc sống, thái độ đối với khó khăn mỗi ngày. Cách Ông nhìn sự việc luôn mở ra những hướng đi mới và luôn đẩy tổ chức đi lên tầm cao mới.
Thật ra, chính ba tôi đã cho tôi lựa chọn giữa “thừa kế” và “kế thừa”, nhưng tôi đã không lựa chọn “thừa kế”. Trong gia đnh, chúng tôi hiểu rõ thừa kế là trách nhiệm lẫn nghĩa vụ, chứ không phải là quyền lợi. Ba tôi đặt ra điều kiện cho người kế nhiệm là phải chuyển giao toàn bộ tài sản cho thế hệ tiếp theo, cộng tiền lãi. Tôi tin, chúng tôi có thể làm được và sẽ phải cố gắng hết sức. Xin chia sẻ rõ rằng, những vị trí cao nhất ở Tân Hiệp Phát không chỉ có chúng tôi, chúng tôi luôn tìm kiếm các ứng viên khác trên toàn thế giới để đạt mục tiêu này.
Là người giàu tri thức, giàu tình cảm, bà quan điểm như thế nào về thành công của một nữ doanh nhân? Đâu là điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, theo bà?
Thành công đối với cá nhân tôi là tạo được các giá trị tích cực đến cuộc sống cho những người xung quanh tôi.
Tôi và ba tôi liên tục tranh luận với nhau về cân bằng. Khái niệm tập trung và cân bằng là đối lập. Đúng là chúng ta muốn đạt đến đỉnh cao hay điểm cuối của bất cứ việc gì cũng phải tập trung, đối với cuộc sống cũng thế.
Tôi chưa tìm thấy cuộc sống của một con người vĩ nhân nào có được cả sự nghiệp và gia đình. Steve Job, Albert Eistein …, họ dành hết thời gian cho một thứ và có thể làm tốt nhất có thể. Nhưng đó là tranh luận của tôi và ba tôi. Tôi nghĩ mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về việc này.